1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Loạt đề xuất về thủy điện sau biến đổi thời tiết cực đoan

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa đưa ra 7 đề xuất nhằm phát triển thủy điện một cách bền vững.

Từ nhận thức “tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên” và tính chất dị thường của thời tiết qua đợt mưa lũ lịch sử miền Trung, Bộ Công Thương đưa ra 7 đề xuất nhằm phát triển thủy điện một cách bền vững.

Kể từ khi Thủy điện Thác Bà phát điện năm 1971 đến nay, sự đóng góp của loại hình năng lượng này trong cơ cấu nguồn phát triển theo hình sin.

Loạt đề xuất về thủy điện sau biến đổi thời tiết cực đoan - 1

Trước năm 2006, thủy điện chiếm 36% tổng công suất lắp đặt và 30,8% điện lượng hệ thống; từ 2006 đến 2014 đóng góp tới gần 50% tổng công suất đặt và 43,5% điện lượng cho hệ thống điện; từ 2014 đến nay chiếm khoảng 37% về công suất lắp đặt và khoảng 27% về điện năng.

Nhưng ở bất cứ giai đoạn nào cũng không có loại hình năng lượng nào khác có thể thay thủy điện trong vai trò là nguồn chính để huy động phủ đỉnh cho biểu đồ phụ tải.

Nhờ ưu thế có thể khởi động và phát đến công suất tối đa chỉ trong vòng vài phút, trong khi nhiệt điện phải mất vài giờ hay nhiều hơn, chỉ thủy điện mới có khả năng vận hành linh hoạt đáp ứng nhanh theo sự thay đổi nhu cầu công suất của hệ thống điện.

Loạt đề xuất về thủy điện sau biến đổi thời tiết cực đoan - 2

Tiềm năng lợi thế là vậy, nhưng trận mưa lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua khiến dư luận đặt dấu hỏi, liệu có mối liên quan nào giữa thủy điện với mưa lũ, sạt lở đất.

Sự dậy sóng của dư luận khiến nhiều cơ quan khoa học và nhà khoa học nhanh chóng vào cuộc. Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên xác định 2 nguyên nhân gây sạt lở ở Trà Leng:

Một là, khu vực có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành một khe suối hẹp hình chữ V, có độ dốc từ 30-45 độ; 2 vách bên khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt.

Hai là, thời gian qua mưa kéo dài 16 ngày (từ ngày 6 đến 22/10), đất bị bão hòa hết và khi gặp trận mưa lớn ngày 27-28/10 (bão số 9) với gần 180mm thì đất như một khối bùn lỏng, sạt lở lao nhanh xuống phía dưới tạo ra trận lũ quét kéo theo đất đá, cây cối chắn ngang cống thoát nước dẫn tới dòng bùn đá đã chuyển hướng sang bờ phải lao vào khu dân cư, cuốn đi tất cả trên đường đi của nó, tạo ra thảm họa sạt lở.

Loạt đề xuất về thủy điện sau biến đổi thời tiết cực đoan - 3

Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) nhận định: “Một trong những công dụng lớn của thuỷ điện ngoài việc khai thác năng lượng đó là chống lũ, tạo sự an toàn cho hạ du”.

TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc công ty năng lượng Sông Hồng cho rằng “Tôi không đồng tình khi ai đó nói thủy điện gây ra lũ chồng lũ”.

Còn PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội khẳng định “Nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều”.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 5/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khái quát, thảm hoạ thiên tai tại miền Trung vừa qua cho thấy đây là kết quả của tổ hợp các dạng thái thiên tai cộng gộp lại. 4 cơn bão đến liên tiếp, trong đó bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua. Hình thái áp thấp duy trì kéo dài ở miền Trung dẫn đến mưa lớn.

Cuối cùng, Bộ trưởng kết luận: ““Lỗi không phải là thuỷ điện nhỏ”.

Cũng phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Ngoài chức năng phát điện, các hồ chứa nước của các đập thủy điện còn có tác dụng đóng góp vào việc tích nước và tùy thuộc vào công suất nó có thể cắt giảm lũ và điều tiết lũ cũng như phục vụ cho nhu cầu phát triển khác.

Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận những tác động tiêu cực do thủy điện, đặc biệt là những tác động đến môi trường đất, nước và khí hậu cũng như đời sống dân sinh. Đây là những vấn đề tổng thể và tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Từ nhận thức “tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên” và tính chất dị thường của thời tiết qua đợt mưa lũ lịch sử miền Trung, Bộ Công Thương đưa ra 7 đề xuất nhằm phát triển thủy điện một cách bền vững.

Một là, tiếp tục rà soát, đánh giá để loại khỏi quy hoạch, không cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ, không đóng góp đáng kể cho hệ thống điện, diện tích chiếm đất còn cao.

Hai là, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, quản lý an toàn công trình xây dựng.

Ba là, rà soát, đánh giá lại quy trình vận hành điều tiết lũ của các hồ chứa trên cơ sở cập nhật các đặc trưng lũ và năng lực vận hành các công trình thủy lợi - thủy điện để có giải pháp bổ sung, điều chỉnh cả về mặt công trình và phi công trình nhằm đảm bảo an toàn..

Bốn là, khẩn trương nghiên cứu để ban hành các hướng dẫn về điều tra, khảo sát dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di dời khẩn cấp đối với các công trình hiện hữu trong mùa mưa lũ.

Năm là, rà soát, hoàn thiện các quy định trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án trồng rừng thay thế đối với các dự án thủy điện đảm bảo cân bằng sinh thái và khả năng tự điều tiết nguồn nước trên lưu vực.

Sáu là, sớm triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo quy định tại Luật Thủy lợi và Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ.

Bảy là, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt đánh giá trác động môi trường; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành của các chủ đập thủy điện.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm