Loạt đại gia Việt dính hồ sơ Paradise, sếp ngân hàng chuẩn bị “thoái vị”

(Dân trí) - Tuần này khá nhiều thông tin về các đại gia Việt, từ hồ sơ Paradise bắt đồ lộ diện nhiều tên tuổi đại gia Việt, đến việc ông Đỗ Quang Hiển, ông Dương Công Minh, ông Đỗ Minh Phú,... sẽ buộc phải lựa chọn chỉ 1 vị trí: chủ tịch ngân hàng hoặc chủ tịch doanh nghiệp.

Loạt đại gia Việt dính hồ sơ Paradise: "kKhông phải dạng vừa đâu"

Hàng trăm cái tên liên quan tới Việt Nam lộ diện trong các hồ sơ về rửa tiền, lách thuế: Paradise Papers, Bahamas, Panama Papers, Offshore Leaks... Không ít cái tên trong danh sách có là các đại gia có tiếng ở Việt Nam.

Trong Paradise Papers, có 2 cái tên rất quen thuộc và nổi bật trên thị trường tài chính Việt Nam là Don Lam - Giám đốc điều hành Vinacapital và Dominic Scriven - Tổng giám đốc Dragon Capital. Đây là 2 quỹ đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam.

Loạt đại gia Việt dính hồ sơ Paradise, sếp ngân hàng chuẩn bị “thoái vị” - 1

Hàng loạt tên cá nhân, thực thể và địa chỉ liên quan tới Việt Nam khác cũng được nhắc tới trong Paradise Papers, như: Quang Hien - Vu, Shrimpton - John, Bui - James Kehoeminh, Duy - Alexis, HUYNH - Phong Thanh,...

Trong danh sách các pháp nhân có liên quan tới Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngoài ra, danh sách còn có nhiều công ty liên quan tới các địa điểm tại Việt Nam như Phú Quốc, Hội An, Hà Nội, TP.HCM,...

Chưa thể khẳng định gì về sự xuất hiện các tên tuổi trong hồ sơ này nhưng có một điều cho thấy mối quan hệ làm ăn xuyên quốc gia, mức độ hội nhập vào giới tài phiệt quốc tế của các doanh nhân Việt là “không phải dạng vừa đâu”.

Sếp ngân hàng đang điều hành doanh nghiệp sẽ "thoái chức"

Theo Luật sửa đổi, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên Ban kiểm soát của TCTD khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.

Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Ảnh: Vietnamnet
Ảnh: Vietnamnet

Trong khi đó hiện nay, nhiều sếp ngân hàng đang đồng thời là chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ở các doanh nghiệp.

Dễ dàng điểm mặt ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank hiện cũng là Chủ tịch của Công ty CP Him Lam; Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển hiện là Chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS; Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT của Doji Group; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh là Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group...

Và như vậy, khi luật có hiệu lực, thị trường sẽ chứng kiến một loạt thay đổi trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của ngân hàng.

Hoàn tất cáo trạng truy tố Trầm Bê và Phạm Công Danh

Ngày 24/11, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 46 bị can trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 3 ngân hàng TMCP.

Bị can Phạm Công Danh (trái), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam và Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank
Bị can Phạm Công Danh (trái), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam và Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank

Danh đã chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay, gửi hơn 6.600 tỷ đồng của VNCB sang 3 ngân hàng này rồi dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân. Hành vi của Phạm Công Danh đã vi phạm một loạt các luật, nghị định, thông tư quy định về các hoạt động tín dụng.

Đối với Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, bị can này đã giới thiệu Phạm Công Danh với Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank, làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ lập khống.

Nguyên Chủ tịch Vinashin lại bị truy tố thêm

VKSND tỉnh Phú Yên vừa truy tố nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị truy tố với Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), còn có Võ Tân - nguyên Giám đốc Công ty CP công nghiệp nông thủy sản Phú Yên và Dương Sơn Hoan - nguyên Kế toán trưởng Công ty CP công nghiệp nông thủy sản Phú Yên.

Trước đó, Phạm Thanh Bình cũng đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử phạt 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinashin.

Cường đôla mất trắng ngàn tỷ đồng

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) tiếp tục giảm 1,1% xuống còn 13.550 đồng/cp. Trong 10 phiên vừa qua, trong khi VN-Index liên tục lập đỉnh mới với hàng loạt cổ phiếu, thì QCG giảm tới 7 phiên, trong đó có 1 phiên giảm sàn.


Ông Nguyễn Quốc Cường và người tình một thời - Hạ Vy

Ông Nguyễn Quốc Cường và người tình một thời - Hạ Vy

Trong khoảng 5 tháng qua, cổ phiếu QCG đã giảm khoảng 55%, từ đỉnh cao gần 30 ngàn đồng/cp thiết lập hồi cuối tháng 6 xuống 13.550 đồng/cp như hiện tại.

Với cú giảm sốc vừa qua, khối tài sản nhà ông Nguyễn Quốc Cường đã giảm tổng cộng khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng.

Mẹ chồng Hà Tăng tiếp tục mạnh tay đầu tư

Doanh nghiệp của bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPP, bố mẹ chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà tiếp tục đổ thêm tiền vào lĩnh vực dịch vụ hàng không.

Cụ thể, Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPGroup) do bà Lê Hồng Thủy Tiên làm tổng giám đốc vừa chi ra khoảng 80 tỷ đồng mua hơn 3 triệu cổ phiếu SAS và nâng tổng số cổ phiếu cổ phiếu SAS nắm giữ lên hơn 34,6 triệu đơn vị (gần 26%).

Cựu diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên - mẹ chồng Tăng Thanh Hà gần đây bất ngờ trở thành một trong những người giàu có hàng đầu trong giới doanh nhân Việt Nam, sau khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển giao phần lớn cổ phần cho vợ và con.

Thế Hưng