1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Loanh quanh nợ xấu

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn hướng dẫn việc bán nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại nhà nước cho Công ty Mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) trong khi những điều kiện hậu thuẫn cho việc này chưa đầy đủ.

Bán hay đừng?

Nội dung đáng chú ý của văn bản này là cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được bán các khoản nợ xấu cho DATC.

Theo chủ trương từng được Ngân hàng Nhà nước công bố, đây là một bước xây dựng thị trường mua bán nợ, hướng đi quan trọng để xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực của các ngân hàng thương mại, một nhu cầu ngày càng trở nên cấp bách.

Hình thành thị trường mua bán nợ cũng là mục đích mà Chính phủ nhắm đến khi cho ra đời DATC. Lý do là Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao liên tục nên các khoản nợ sẽ tăng nhanh và nhu cầu mua bán nợ sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, tình hình thực tế lại không thuận buồm xuôi gió như vậy. Sự thiếu minh bạch và nhiễu thông tin khiến chẳng ai biết thực tế số nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam là bao nhiêu. Việc có hơn một báo cáo thống kê nợ xấu khiến quy định mới trên đây sẽ còn gặp không ít tranh cãi về việc ngân hàng sẽ bán nợ cho DATC theo tỷ lệ nào.

Theo một quan chức Ngân hàng Trung ương, trong các báo cáo thống kê tình hình nợ xấu liên quan đến các ngân hàng thương mại hiện tồn tại một vài hệ thống phân loại khác nhau, với các khái niệm gần nghĩa với nợ xấu nhưng không đồng nhất như nợ khó đòi, nợ quá hạn, nợ tồn đọng. Bên cạnh đó, kết quả phân loại nợ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế theo yêu cầu của Basel có khác biệt lớn.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước thì nợ xấu của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần tính đến thời điểm 31/12/2005 trung bình dưới 2%, trong khi tỷ lệ này đối với các ngân hàng quốc doanh bình quân là 5,4%. Nhưng theo quan chức một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam thì tỷ lệ này với ngân hàng quốc doanh trung bình là khoảng 15%. Còn bản thân lãnh đạo các ngân hàng đó lại thì thầm với nhau con số lớn hơn so với mức báo động kia.

Để xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước chọn cách trước hết là tái cấp vốn, hỗ trợ nguồn tài chính cho các ngân hàng trích lập đủ dự phòng để có thể bù đắp những tổn thất có thể xảy ra khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. Sau đó cho chuyển nhượng các khoản nợ xấu cho tổ chức xử lý nợ. Đa phần các khoản nợ xấu với doanh nghiệp Nhà nước sẽ được phép bán cho DATC hoặc các đơn vị đủ năng lực tài chính giải quyết.

Tuy nhiên, mối quan hệ mua bán nợ giữa DATC với các tổ chức tín dụng, giữa DATC với các tổ chức kinh tế và cá nhân hiện chưa được điều chỉnh, hầu hết thiếu quy định pháp lý, thậm chí chồng chéo và mâu thuẫn.

Ông Phạm Phan Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DATC, đã trả lời báo chí rằng, thực tế hoạt động của DATC và các tổ chức xử lý nợ tồn đọng thời gian qua cho thấy các cơ chế hiện hành vẫn chưa thực sự phù hợp. Các quy định áp dụng cho DATC hầu như không tạo quyền ưu tiên đặc biệt trong việc tiếp cận và khai thác thông tin đánh giá khoản nợ nên đã gây ra không ít khó khăn trong việc mua và xử lý nợ.

Ông cho biết, các nước khác trong khu vực thường không đặt vấn đề bảo toàn vốn và có lợi nhuận làm nguyên tắc hoạt động chính cho tổ chức xử lý nợ. Thay vào đó họ chỉ yêu cầu các tổ chức xử lý nợ của mình phải tối đa hóa giá trị thu hồi để giảm thiểu gánh nặng ngân sách mà Chính phủ phải bỏ ra để hỗ trợ cho chương trình xử lý nợ tồn đọng.

Còn Việt Nam hiện nay lại yêu cầu tổ chức xử lý nợ quốc gia là DATC phải hoạt động vừa nhằm lành mạnh hóa tài chính thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vừa theo cơ chế hạch toán kinh doanh. Và thế là đương nhiên để bảo toàn vốn theo yêu cầu của cơ chế quản lý tài chính áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước thì DATC buộc phải cân nhắc lựa chọn những khoản nợ ít gặp rủi ro mất vốn nhất.

Yêu cầu trên đã tạo ra sự mâu thuẫn trong mục đích hoạt động của DATC. Vì thế, các thỏa thuận mua bán nợ với ngân hàng thương mại, nơi hơn 60% khoản nợ xấu là của doanh nghiệp Nhà nước, sẽ không dễ gì đạt được.

Một khía cạnh pháp lý khác, dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ, nhưng trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan hữu quan hiện còn nhiều mâu thuẫn chưa đến hồi kết.

Cần dừng tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh

Việc quản lý các ngân hàng thương mại quốc doanh được các chuyên gia đánh giá là nhược điểm lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay.  Việc các ngân hàng vẫn duy trì các mối quan hệ kinh doanh khăng khít với các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy các ngân hàng này vẫn chưa đa dạng hóa được đối tượng khách hàng cho phù hợp với cơ cấu sở hữu thay đổi trong nền kinh tế.

Mặc dù đã đổi kênh cung cấp tín dụng chỉ định thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển, nhưng ngân hàng quốc doanh vẫn còn quá phụ thuộc vào các sức ép ngầm trong hoạt động cho vay theo tiêu chí chính trị, đặc biệt tại các chi nhánh cấp tỉnh.

Trong khi đó, việc giải quyết vốn không sinh lời đang bị trì trệ. Vấn đề sâu xa ở chỗ, việc giải quyết các khoản vay không thế chấp đòi hỏi phải đưa ra các quyết định liên quan đến tương lai của các doanh nghiệp Nhà nước không có khả năng  trả nợ. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh lại không ở vị trí để có thể đưa ra các quyết định đó.

Mặc dù có rất ít tiến bộ trong cải cách cơ cấu ngân hàng, nhưng các ngân hàng quốc doanh thời gian qua vẫn nhận được những khoản tái cấp vốn hàng chục ngàn tỉ đồng và điều này tạo nguy cơ tiếp tục sử dụng lãng phí. Vốn bổ sung dường như đã không giúp các ngân hàng quốc doanh thận trọng hơn trong hoạt động cho vay.

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần tạm ngừng các hoạt động tái cấp vốn bổ sung cho ngân hàng quốc doanh. Thay vào đó, việc cần làm là để các ngân hàng này tái định hướng hoạt động trên cơ sở lợi nhuận.

Chúng cần được điều hành bởi một ban giám đốc chuyên nghiệp thay vì một bộ phận của Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bởi lẽ nếu duy trì như hiện nay tức là tiếp tục duy trì sự xung đột lợi ích bởi người lãnh đạo ngân hàng vừa là đại diện chủ sở hữu vừa là cơ quan điều tiết tài chính.

Nhưng dường như trên thực tế, còn rất khó để có thể thực hiện ngay các khuyến cáo trên bởi ngay trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn đề nghị bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn (Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) khẩn trương làm việc với Tổng công ty Điện lực Việt Nam để thỏa thuận các nội dung của hợp đồng tín dụng, thống nhất nội dung để ký hợp đồng tín dụng đối với dự án thủy điện Sơn La.

Công văn này ghi rõ: “Căn cứ quyết định đầu tư dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các ngân hàng thương mại xét duyệt cho vay, không phải thẩm định phương án vay, trả nợ”.

Theo TBKTSG