Loạn giá vé xe Tết
Các cơ quan quản lý TPHCM đã khống chế mức phụ thu giá vé xe tết không được vượt quá 60% giá cước ngày, bởi với mức phụ thu tối đa này, các đơn vị có thể đủ bù đắp chi phí cho chiều xe chạy rỗng.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải lách bằng cách tăng giá ngày thường lên cao hơn, sau đó lấy cơ sở giá vé ngày thường mới điều chỉnh để làm cơ sở tăng giá vé tết mà vẫn không vượt khung.
Tìm đủ cách tăng giá vé xe tết
Nhìn vào hàng loạt bảng giá vé xe tết được niêm yết ở các quầy vé của DN vận tải tại bến xe Miền Đông (BXMĐ), đa phần giá vé tết chỉ tăng tối đa 60%. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV cho thấy, thực tế nhiều DN lại lách bằng cách điều chỉnh tăng giá ngày thường lên khá cao.
Ông Thượng Thanh Hải - Phó GĐ BXMĐ - cho biết, thời gian gần đây, có gần 20 DN vận tải kê khai điều chỉnh lại giá ngày thường, với mức điều chỉnh tăng 5-10%. Trên cơ sở đó, các DN điều chỉnh tăng giá vé tết không vượt quá 60% như một cách hợp thức hóa. Điển hình như trường hợp của Cty TNHH vận tải Hoàng Long.
Tại bảng niêm yết giá vé ngày thường của Cty Hoàng Long tại BXMĐ vào ngày 9.1, tuyến từ TPHCM đi Hà Nội có giá vé 950.000 đồng/giường nằm, TPHCM đi Thanh Hóa giá 820.000 đồng/giường nằm, TPHCM đi Hải Phòng giá vé 980.000 đồng/giường.
Trong khi đó, giá vé tết bán trước cho hành khách đi vào những ngày cao điểm trước tết (24 - 28 tháng chạp âm lịch) đối với các tuyến trên, có mức giá vé đồng hạng là 1.699.000 đồng/giường.
So sánh với giá vé ngày thường được niêm yết tại quầy vé BXMĐ ngày 9/1, thì giá vé đi những ngày tết cao hơn ngày thường đến 73,3% (tuyến đi Hải Phòng), tăng 78,8% (tuyến TPHCM đi Hà Nội) và tăng 100,7% đối với tuyến TPHCM đi Thanh Hóa.
Bến xe Miền Đông: Không thiếu xe
Ông Thượng Thanh Hải - Phó GĐ BXMĐ - khuyến cáo: “Người dân không nên mua vé bên ngoài dễ bị mắc lừa. Tuy vé xe tết của một số DN tự thuê quầy bán trước đã được bán, nhưng hiện vé xe tết của các DN vận tải ủy thác cho bến vẫn chưa bán. Từ ngày 1 tháng chạp âm lịch, BXMĐ sẽ bán trước vé xe tết của các DN ủy thác cho khoảng 12 tuyến trọng điểm đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào những ngày cao điểm từ 24 đến 27 tháng chạp âm lịch. Đối với những cơ quan, xí nghiệp có nhu cầu mua vé với số lượng lớn, đủ từ 1 chuyến xe trở lên, bến xe sẽ bố trí cho xe đến tận nơi theo yêu cầu để đón khách. Bến đảm bảo không thiếu xe và không để hành khách nào phải đón giao thừa tại bến”.
Các hãng xe hoạt động dưới hình thức hợp đồng, du lịch cũng nâng giá vô tội vạ. Dọc theo các tuyến đường Hồng Lạc, Bàu Cát, Vườn Lan hay dọc tuyến Phạm Ngũ Lão, các nhà xe đều hét giá vé xe tết đi các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...) cao gấp đôi ngày thường. Vào ngày bình thường, đối với loại xe giường nằm đi các tỉnh trên chỉ khoảng 320.000 - 420.000 đồng/giường (tùy hãng), song trong dịp tết giá vé này được nâng lên khoảng 700.000 - 800.000 đồng/giường.
Đáng nói là các điểm bán vé xe này hoạt động dưới hình thức phục vụ khách du lịch, chạy hợp đồng, nhưng thực tế là bán vé chạy tuyến cố định.
Theo Mộng Thoa - Trần Phan
Tuổi trẻ