1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Loại bỏ "con ông cháu cha" khỏi bộ máy: Đây là cơ hội của Bộ Công Thương

(Dân trí) - Trong khi dư luận còn băn khoăn rằng liệu quá trình sắp xếp, cải tổ sắp tới, Bộ Công Thương có dám đụng đến "con ông, cháu cha" thì Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, đây chính là dịp để Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tinh gọn bộ máy và sàng lọc đánh giá lại đội ngũ cán bộ để bố trí đúng người, đúng việc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (ảnh: VGP)

"Nhiều dư luận không tích cực về bộ..."

Như tin đã đưa, vừa qua, Bộ Công Thương đã có "cuộc họp Diên Hồng", lấy ý kiến mọi cán bộ trong Bộ về dự kiến kiện toàn, tinh giản bộ máy cho phù hợp... Tuy nhiên, vẫn có những băn khoăn trong dư luận rằng liệu quá trình sắp xếp, cải tổ này có dám đụng đến "con ông, cháu cha"?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về vấn đề này tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra chiều nay (29/11), người phát ngôn của Bộ Công Thương - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc kiện toàn và tái cấu trúc lại bộ máy của bộ này là thực hiện theo phương châm của Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng Chính phủ nhiệm kỳ này là Chính phủ hành động, phục vụ, kiến tạo, liêm chính... để tỏ rõ việc nói và làm đi đôi với nhau.

"Nói về Bộ Công Thương, thời gian vừa qua có nhiều dư luận không được tích cực đánh giá bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả, nên đây là dịp để Bộ Công Thương cũng như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xây dựng sắp xếp lại bộ máy của Bộ sao cho gọn nhẹ và hiệu quả hơn", ông Vượng chia sẻ.

Theo đó, về chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương được cho biết sẽ không thay đổi so với trước, tuy nhiên, về tổ chức cơ cấu bộ máy, Bộ dự thảo sẽ giảm 7 đầu mối xuống còn 28 đầu mối từ con số 35 đầu mối hiện tại.

"Đương nhiên với việc giảm số đầu mối như vậy thì sẽ phải sắp xếp lại về con người. Đây cũng là dịp để Bộ Công Thương sàng lọc đánh giá lại đội ngũ cán bộ, bố trí những người có tâm huyết, tài năng, trí tuệ vào đúng vị trí, đáp ứng được mong muốn của người dân, công luận", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.

Theo dự kiến của Bộ Công Thương, trong cơ cấu tổ chức bộ máy sắp tới, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và 2 vụ; Vụ Thị trường thương mại Miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), nay nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại TPHCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương;

Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành 2 Vụ Châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về 2 Vụ Á, Phi và Âu Mỹ; Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp ) nhập thành một viện.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ thành lập thêm Cục Phòng vệ Thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý Thị trường còn lại giữ nguyên.

Công tác cán bộ tại Bộ Công Thương "có nhiều sai sót, vi phạm"

Thông tin tại phiên họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, qua quá trình kiểm tra tại Bộ Công Thương cho thấy, trong số 486 nhiệm vụ được giao từ đầu năm tới ngày 5/11, Bộ đã hoàn thành 286 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ chưa thực hiện trong hạn là 187. Số nhiệm vụ chưa thực hiện quá hạn là 13.

Thời gian qua, Bộ đã tham mưu tương đối tốt cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều lĩnh vực. Việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, “các nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược, liên quan đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp chưa được thực hiện đúng tiến độ”.

Cùng với đó, vấn đề công tác cán bộ có nhiều sai sót, còn vi phạm nguyên tắc. Việc làm ăn thua lỗ của một số tập đoàn, tổng công ty lớn chưa được xử lý kịp thời; quá trình cổ phẩn hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước còn chậm…

Cùng với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương được yêu cầu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm và khắc phục những hạn chế nói trên, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Cụ thể, như việc đề xuất các đề án, nhiệm vụ còn mang tính chủ quan, không khả thi. Một số đơn vị thuộc Bộ chưa thực sự chủ động, phối hợp với các đơn vị khác trong việc thực hiện nhiệm vụ. Trách nhiệm của người đứng đầu của một số đơn vị chưa được đề cao. Việc chỉ đạo, điều hành không quyết liệt, thậm chí còn lơ là...

Bích Diệp