Lo thịt bẩn ung dung lên bàn ăn

Nếu bỏ bớt một hàng rào kiểm soát, thịt bẩn, thịt hết đát sẽ dễ dàng chui vào các cơ sở chế biến và leo lên bàn ăn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Đặc biệt, đối với các sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu đang tràn về ồ ạt thì việc nới lỏng quản lý sẽ khiến thị trường quay lại thời kỳ bát nháo trước đây, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và bất lợi cho ngành chăn nuôi.

Bất an thịt ngoại

Trưa 22/5, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP HCM trong lúc tuần tra đã phát hiện một xe máy chở 10 thùng thịt trâu đông lạnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đáng nói, trên nhãn thùng hàng ghi rõ điều kiện bảo quản là âm 18 độ C nhưng thực tế lô thịt đang được “phơi” dưới cái nắng xấp xỉ 40 độ C ngoài trời. “Theo quy định, thịt đông lạnh phải vận chuyển bằng xe bảo ôn, khi rã đông phải chế biến ngay nhưng lô thịt trâu này có khả năng sẽ được tái cấp đông, chế biến dần làm giảm giá trị dinh dưỡng. Chưa kể, dọc đường thịt rất dễ bị nhiễm vi sinh, tạp chất” - lãnh đạo Trạm Thú y huyện Bình Chánh nhận định.

Lo thịt bẩn ung dung lên bàn ăn
Thịt trâu đông lạnh được vận chuyển bằng phương tiện không bảo đảm, nhiệt độ cao thường dễ hỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng

Với 10 triệu dân, TP HCM là thị trường tiêu thụ lớn các loại thịt và sản phẩm động vật từ các tỉnh và nhập khẩu vì tỉ lệ sản xuất tại TP HCM rất thấp (chỉ 10,3% thịt heo và 0,76% thịt gia cầm). Từ đầu năm 2015 đến nay, trung bình mỗi tuần có khoảng 3 triệu kg (tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2014) sản phẩm động vật các loại, gồm thịt trâu, bò, dê, cừu, heo, gà và phụ phẩm nhập về các kho lạnh trên địa bàn TP HCM.

Sau sự cố hàng loạt kho thịt đông lạnh hết hạn sử dụng, thịt nhiễm khuẩn được cho chiếu xạ đem bán cho người tiêu dùng bị phát giác làm rúng động dư luận cách đây vài năm, TP HCM đã thiết lập và duy trì được hệ thống giám sát thịt nhập khi lưu thông trên thị trường thông qua công cụ là giấy chứng nhận kiểm dịch, bên cạnh “hàng rào” thứ nhất là kiểm dịch nhập khẩu.

Theo đó, thịt khi nhập về kho lạnh và xuất bán đều phải khai báo với cơ quan thú y địa phương, các lô hàng khi vận chuyển, kinh doanh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm. Từ đó, xác định được các lô hàng hết hạn sử dụng hoặc cận hạn sử dụng, ngăn chặn tình trạng tuồn vào các cơ sở chế biến thực phẩm hoặc thay đổi bao bì gốc để tiếp tục bán làm thức ăn cho người hoặc rã đông bán như hàng tươi.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP HCM, hệ thống giám sát trên có nguy cơ bị phá vỡ khi dự thảo Luật Thú y (dự kiến được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp này) không còn quy định về kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh. Thịt ngoại sẽ thoải mái lưu thông, mọi sự phụ thuộc vào “tùy tâm” của doanh nghiệp vì ngành thú y không còn đủ công cụ để quản lý!” - ông Phát lo ngại.

Thịt nội: Vẫn chưa yên tâm

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, qua công tác kiểm dịch nội thành mà TP HCM đã phát hiện 942 trường hợp vi phạm. Trong đó, đáng chú ý là 13 trường hợp giết mổ động vật mang bệnh dịch nguy hiểm và 121 trường hợp sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật ôi thiu, biến chất… Nhờ vậy, TP HCM và các tỉnh lân cận đã nâng tỉ lệ cơ sở giết mổ tập trung cao nhất nước (gần 95%). Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn sản phẩm thịt được giết mổ không qua kiểm soát, chứa đầy nguy cơ về dịch bệnh cũng như mất kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Với thịt nội, sau “hàng rào” là trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, vẫn còn một lượng thịt “bẩn” lọt vào TP và sẽ tiếp tục được kiểm soát bởi các đoàn kiểm tra liên ngành, thú y cơ sở (nhà hàng, quán ăn, chợ, cơ sở chế biến…). Giấy kiểm dịch theo lô hàng đến nơi tiêu thụ cuối cùng, là cơ sở để phân biệt nguồn thịt đã qua kiểm soát và thịt trôi nổi. Nếu bỏ qua “hàng rào” này thì không còn cơ sở pháp lý để phân biệt nguồn gốc lô thịt vì không thể biết đâu là thịt nội tỉnh, đâu là thịt nhập từ nước ngoài.

Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, địa phương cung cấp lượng lớn thịt heo cho TP HCM, thừa nhận các cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại, hợp vệ sinh đang sống ngoắc ngoải vì cạnh tranh không nổi với giết mổ lậu. “Khi kêu gọi đầu tư, chính quyền hứa dẹp giết mổ lậu nhưng thực tế nhiều nơi không dẹp được. Nghịch lý là thịt có kiểm soát hay không kiểm soát đều bán được như thường” - ông Báu nêu thực tế.

Ông Huỳnh Tấn Phát cho rằng việc bãi bỏ quy định kiểm dịch vận chuyển trong tỉnh cần có lộ trình, chỉ phù hợp khi trình độ chăn nuôi phát triển, khi các doanh nghiệp sản xuất khép kín, đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Còn hiện nay, 65%-70% vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh manh mún thì việc duy trì kiểm dịch nội tỉnh là cần thiết để kiểm soát được dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
 

Cần 1,5 triệu USD để nâng cấp 2 “cổng gác”

Ông Trần Phương Đông, Phó Giám đốc dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) TP HCM, cho biết cần 1,5 triệu USD để đầu tư 2 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông Thủ Đức (phía Đông) và Bình Chánh (phía Tây) nhằm kiểm soát chất lượng nguồn hàng trước khi đưa vào các cơ sở giết mổ và chợ trên địa bàn TP. Số tiền trên bao gồm đầu tư cơ sở vật chất và 2 máy kiểm nghiệm hiện đại để kiểm tra nhanh các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Khi phát hiện lô hàng không đạt, sẽ có hệ thống kho lạnh và khu tạm giữ động vật sống bảo đảm tiêu chuẩn bảo quản chờ kết quả kiểm nghiệm chính thức.

Đề nghị hỗ trợ kinh phí trên hiện đã được gửi cho Ngân hàng Thế giới cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét.

 

 
Theo Ngọc Ánh
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”