An Giang:
Lo nông dân buôn bán khó vì Covid – 19, Bí thư tỉnh ủy ra tận ruộng
(Dân trí) - Lo dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo tỉnh này đã ra tận đồng hỏi thăm người dân về tình hình tiêu thụ lúa, cá…
Ngày 10/3, bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng các Sở, ngành của tỉnh đã đi khảo sát thực tế về tình hình tiêu thụ hai mặt hàng chủ lực của huyện Phú Tân là lúa nếp và cá tra.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Tân, diện tích xuống giống vụ Đông Xuân đạt hơn 23.800ha, trong đó, nếp chiếm hơn 22.500 ha, lúa khác hơn 1.200 ha; tính đến ngày 9/3, thu hoạch được hơn 12.500 ha, trong đó nếp hơn 12.500 ha đạt trên 52%, năng suất nếp đạt trên 7 tấn/ha, giá bán giao động từ 5.600-5.800 đông/kg nếp tươi.
Toàn huyện hiện có gần 300ha đang nuôi trồng thủy sản gồm nuôi cá tra thương phẩm, cá tra giống và các loại cá khác; trong đó, diện tích nuôi liên kết theo chuỗi đạt gần 85 ha, tập trung ở 4 vùng nuôi của doanh nghiệp, với sản lượng dự kiến hơn 8.500 tấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí cho biết, hiện giá nếp và cá tra đang có lợi cho nông dân. Thông qua mạng lưới bạn hàng, thương lái, doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, với kho chứa lên tới gần 70.000 tấn, tương đương 10.000 ha.
Vụ Đông Xuân 2019-2020 có 3 công ty tiêu thụ với HTX, diện tích 910 ha, đến nay công ty đã thu mua theo hợp đồng với giá từ 5.650 - 5.700 đồng/kg nếp tươi.
Trước tình hình diễn biến khó lường và kéo dài của dich Covid – 19 , thị trường tiêu thụ nếp và cá tra dự báo là sẽ gặp một số trở ngại. Do đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân kiến nghị tỉnh hỗ trợ huyện trong khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhất là thị trường trong nước; tiến tới xây dựng thương hiệu nếp An Giang để sản phẩm nếp của An Giang nói chung, nếp Phú Tân nói riêng có sức cạnh tranh tốt hơn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, cho rằng thời gian qua, ảnh hưởng của dich Covid - 19 đến ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh là không đáng kể. Do đó, đây là dịp để An Giang cơ cấu lại sản xuất theo hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, để nông dân, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về những gì mình sản xuất ra; sản phẩm làm ra phải đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự “giải cứu” của nhà nước; hướng tới sự chỉ động trong khâu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhất là hai mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa và cá tra.
Tuy nhiên, dịch Covid - 19 đang diễn biến rất khó lường, Bí thư Tỉnh ủy An Giang yêu cầu các địa phương, sở ngành không được chủ quan, cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid – 19. Đồng thời cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất 2020 hợp lý, sát với tình hình thị trường đối với từng mặt hàng cụ thể, duy trì tốc độ tăng trưởng…
Nguyễn Hành - Minh Anh