Lỗ luỹ kế tại PVC bất ngờ tăng lên gần 3.300 tỷ đồng

(Dân trí) - Với kết quả thua lỗ nặng nề trong năm 2017, lỗ luỹ kế của PVC đã lên tới 3.278 tỷ đồng. Việc các cơ quan pháp luật thực hiện công tác điều tra, thanh tra, khởi tố một số cá nhân nguyên là lãnh đạo làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ công nhân viên toàn tổng công ty.

Báo cáo tài chính quý IV/2017 của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX) cho thấy, trong kỳ doanh nghiệp này đạt 1.169 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, sụt giảm tới 40% so với kết quả đạt được cùng kỳ 2016.

Trong khi nợ tăng thì PVC lại kinh doanh thua lỗ.
Trong khi nợ tăng thì PVC lại kinh doanh thua lỗ.

Giá vốn hàng bán mặc dù đã giảm song vẫn ở mức cao dẫn đến lợi nhuận gộp âm 112 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính lại giảm 89% còn gần 9 tỷ đồng, chi phí hoạt động tài chính tăng 15% so cùng kỳ lên 91 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên 11 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 45% lên 193 tỷ đồng.

Doanh thu không đủ bù đắp cho chi phí khiến trong kỳ hoạt động kinh doanh của PVC lỗ thuần 400 tỷ đồng. Mặc dù ghi nhận thêm gần 18 tỷ đồng lợi nhuận khác song PVC vẫn lỗ trước thuế 382 tỷ đồng, tăng lỗ hơn gấp đôi so cùng kỳ. Lỗ sau thuế ở mức 373 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm, PVC báo lỗ trước thuế 404 tỷ đồng và lỗ ròng 409 tỷ đồng (năm 2016, tổng công ty này vẫn có lãi 114 tỷ đồng trước thuế và 92 tỷ đồng sau thuế).

Kết quả kinh doanh thua lỗ của năm 2017 đã đẩy lỗ luỹ kế của PVC tại thời điểm 31/12/2017 lên tới 3.278 tỷ đồng.

Theo PVC, trong kỳ tổng công ty này lỗ nặng do sụt giảm về doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh. PVC tiếp tục phải trích lập các khoản dự phòng theo quy định. Mặt khác, việc các cơ quan pháp luật thực hiện công tác điều tra, thanh tra, khởi tố một số cá nhân nguyên là lãnh đạo làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ công nhân viên toàn tổng công ty.

Ngoài ra, năm vừa qua, các đơn vị thành viên như PVC-Mekong; PVC-IC, PVC Land; PVC-Đông Đô… tiếp tục thua lỗ cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của toàn tổng công ty. Ngoài ra, hiện PVC vẫn đang tiếp tục rà soát nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh vay vốn tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, một số các tồn tại của các năm trước như chi phí quản lý tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từ đầu dự án chưa kết chuyển; chi phí một số hạng mục tại dự án này chưa có đầu thu, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án NMNĐ Quảng Trạch 1, công nợ phải thu được đánh giá khó có khả năng thu hồi...

Đến cuối năm 2017, PVC có 9.425 tỷ đồng nợ ngắn hạn, chiếm tới 92% tổng nợ phải trả. Con số này tăng 191 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn 2.112 tỷ đồng, hàng tồn kho ở mức 5.011 tỷ đồng.

Bích Diệp

Lỗ luỹ kế tại PVC bất ngờ tăng lên gần 3.300 tỷ đồng - 2