TP.HCM:
Lô hàng điện lạnh cực “khủng” nhập lậu bị phát hiện thế nào?
(Dân trí) - Lô hàng điện lạnh “núp bóng” là giấy Kraft đã bị lực lượng Hải quan đưa vào “tầm ngắm” từ hơn 1 tháng trước, sau đó phối hợp với cảnh sát kinh tế đồng loạt kiểm tra, thu giữ hàng nghìn thiết bị điện lạnh thuộc danh mục cấm nhập khẩu.
Chiều 29/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước cho biết, lô hàng điện lạnh nhập lậu vừa bị phát hiện đã được lực lượng này đưa vào “tầm ngắm” từ hơn 1 tháng trước.
Cụ thể, qua công tác thu thập thông tin, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước đã chủ động đánh giá và rà soát toàn bộ các hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), phát hiện 3 container có dấu hiệu nghi vấn đang được vận chuyển về và theo kế hoạch sẽ đến cảng vào ngày 13/8.
Từ những thông tin trên bản lược khai hàng hóa, toàn bộ lô hàng trên thuộc sở hữu của một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đóng tại Bình Dương và hàng hóa thể hiện là giấy Kraft.
Sau khi tàu cập cảng, Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước đã báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM và xin ý kiến đưa toàn bộ 3 container vào danh sách giám sát trọng điểm để xác minh và làm rõ về chủ thể cũng như hàng thực tế được chứa trong các container nêu trên. Chủ các lô hàng này được xác định là do ông Trần Thanh Th. và Bành Sỹ T. làm chủ.
Đến ngày 26/9, Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước ban hành quyết định khám xét toàn bộ lô hàng này. Ngày 28/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước tiếp tục phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP HCM tiến hành khám xét 3 container hàng, phát hiện hàng trăm thiết bị gồm tủ lạnh, máy lạnh, nồi cơm điện, màn hình máy tính … tất cả đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Nhật Bản. Tất cả các mặt hàng trên thuộc danh mục cấm nhập khẩu.
Các chủ hàng khai nhận, lô hàng được đưa về bằng cách thành lập các công ty vận chuyển “ma” nhập hàng từ Nhật Bản về Campuchia, sau đó quá cảnh tại Việt Nam hoặc sử dụng chữ ký điện tử để đăng ký vào một công ty của Nhật Bản (đóng tại Bình Dương) rồi nhập hàng vào Việt Nam để được ưu tiên rồi đem hàng ra khỏi cảng.
Hàng sau khi ra khỏi cảng sẽ được chở về các nhà kho tại các tỉnh, tân trang lại rồi phân phối ra thị trường như hàng mới.
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước, từ đầu năm đến nay tại Chi cục đã làm thủ tục xuất nhập khẩu cho trên 200 doanh nghiệp với kim ngạch 445 triệu USD, số thuế thu được trên 6.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất vào ngày 15/8, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty TNHH TMDV P.H về hành vi nhập khẩu hàng không đúng khai báo trị giá trên 1 tỷ đồng và số thuế gian lận trên 200 triệu đồng.
Cũng trong đợt truy quét hàng lậu, phía PC46 cũng đã phát hiện 4 container hàng điện lạnh nghi vấn nhập lại tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Hiện toàn bộ số hàng này đã bị niêm phong chờ xử lý.
Trung Kiên