1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lộ diện loạt đại gia ngành ngân hàng Việt Nam

Thảo Thu

(Dân trí) - Các ngân hàng công bố danh sách những cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên. Nhiều cá nhân kín tiếng được báo cáo sở hữu lượng lớn cổ phần các ngân hàng.

VPBank

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB), có 13 cá nhân hiện nắm giữ từ 1% vốn ngân hàng, với tổng sở hữu 40,8% cổ phần.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, tính đến 19/7, nắm hơn 328,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,14%. Người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, tương đương sở hữu 29,5% vốn điều lệ.

Danh sách cổ đông cá nhân nắm trên 1% vốn VPBank còn có 2 lãnh đạo cấp cao khác là Phó chủ tịch HĐQT Bùi Hải Quân với tỷ lệ 1,97%. Người liên quan ông Quân là bà Kim Ngọc Cẩm Ly (vợ ông Quân) cũng nắm 3,6% vốn. Tổng cộng 2 người sở hữu 5,59% vốn VPBank.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh đang sở hữu 1,3% vốn. Người liên quan ông Vinh nắm 1,6% vốn ngân hàng. Tổng số cổ phiếu mà ông Vinh và người liên quan nắm tương ứng gần 2,9% vốn.

Ngoài ra, có 5 cá nhân tương đối kín tiếng, không có mối quan hệ trực tiếp với các lãnh đạo của VPBank cũng nắm lượng lớn cổ phiếu VPB.

Lộ diện loạt đại gia ngành ngân hàng Việt Nam - 1

Nhiều cá nhân được báo cáo sở hữu lượng lớn cổ phần ngân hàng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

HDBank

Tại Ngân hàng TPCP Phát triển TPHCM (HDBank - mã chứng khoán: HDB), 2 quỹ ngoại và một doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm trên 1% vốn ngân hàng.

Trong đó, quỹ đầu tư từ Phần Lan Pyn Elite Fund (Non-Ucits) đang nắm 2,2% vốn. Đơn vị còn lại là Baillie Gifford Pacific Fund, quỹ ngoại sở hữu 2,19% cổ phần HDBank.

Danh sách cổ đông lần này không cho thấy tỷ lệ nắm giữ trực tiếp của tỷ phú Nguyễn Phương Thảo, mà qua sở hữu của Công ty cổ phần Sovico. Công ty này có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, do ông Phạm Khắc Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Ông Dũng giữ hơn 417,7 triệu cổ phiếu HDB. Mức này tương đương tỷ lệ sở hữu gần 14,3% ngân hàng.

Ông Phạm Khắc Dũng đang là Phó tổng giám đốc Tập đoàn đa ngành Sovico - doanh nghiệp được sáng lập bởi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HDBank.

Lộ diện loạt đại gia ngành ngân hàng Việt Nam - 2

Từ 1/7, ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

MSB

Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB), danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn có một người là ông Niliesh Ratital Banglorewala. Ông từng làm Giám đốc khối quản lý tài chính tại MSB và có thời gian ngắn là Thành viên HĐQT PGBank.

Danh sách của MSB không thể hiện tỷ lệ sở hữu của ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch MSB và người thân. Tuy nhiên, sự hiện diện của vợ ông Tuấn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường thể hiện gián tiếp qua ROX Group, khi bà Hường đang là Chủ tịch tập đoàn này.

Nhóm công ty thành viên của ROX Group và đơn vị có liên quan gián tiếp đến tập đoàn này gồm Công ty cổ phần Rox Key Holdings nắm 2,4% vốn MSB; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Rox Cons Việt Nam sở hữu 1,87% vốn; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Rox Cons Việt Nam sở hữu 1,87% vốn…

Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam

Tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB), ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch LPBank là người duy nhất sở hữu trên 1% vốn ngân hàng.

Cụ thể, ông Thụy nắm hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 2,765%. Người có liên quan ông Thụy nắm gần 3.900 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,0002%.

OCB

Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB) có sở hữu cô đặc khi có 20 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng, trong đó gồm 3 cổ đông ngoại là Aozora Bank (15%), Portal Global Limited (3%) và Pyn Elite Fund (2,4%); 17 cá nhân và doanh nghiệp trong nước còn lại nắm giữ hơn 60% vốn điều lệ.

Với nhóm nhà đầu tư cá nhân, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB, cùng người có liên quan, nắm giữ tổng cộng 19,9% vốn điều lệ. Một số cá nhân khác nắm giữ lượng lớn cổ phiếu OCB gồm bà Trịnh Mai Linh, Trịnh Mai Vân, ông Nguyễn Đức Toàn, bà Cao Thị Quế Anh, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Phan Trung.

Eximbank

Còn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB), 2 người nắm giữ trên 1% vốn ngân hàng là bà Lê Thị Mai Loan sở hữu 1,03% vốn và bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu 1,12% vốn. Bà Lương Thị Cẩm Tú đang là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank còn bà Lê Thị Mai Loan là cựu Thành viên HĐQT Eximbank.

Lộ diện loạt đại gia ngành ngân hàng Việt Nam - 3

Danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng (Nguồn: Eximbank).

Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX) hiện là cổ đông lớn nhất của Eximbank này với sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần, tương đương 4,9% vốn điều lệ ngân hàng. Cổ đông lớn thứ hai là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX với hơn 62 triệu cổ phiếu, tức 3,58% vốn.

Cổ đông khác sở hữu trên 1% vốn tại Eximbank là Công ty cổ phần Thắng Phương, sở hữu 53,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn.

5 cổ đông này hiện nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan.

Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Danh sách "người có liên quan" của cổ đông được mở rộng so với trước, gồm cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con rể, anh chị em vợ, anh chị em chồng, anh em chị dâu, ông bà nội ngoại, dì bác cô chú...

Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là "người có liên quan".

Điểm quan trọng khác trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là việc giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Kể từ ngày 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.