Lộ diện hàng loạt đại gia tranh mua Khách sạn Kim Liên

(Dân trí) - Hoạt động kinh doanh không mấy ấn tượng song khi SCIC công bố bán toàn bộ 52,43% cổ phần nắm giữ tại CTCP Du lịch Kim Liên, đơn vị đang sở hữu Khách sạn Kim Liên (nằm tại khu đất vàng 3,5 ha) thì hàng loạt nhà đầu tư đều đăng ký mua trọn lô.

Ngày 22/12 tới, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ thực hiện tổ chức bán đấu giá trọn lô toàn bộ cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (KLH).

Theo đó, toàn bộ 3.647.433 cổ phần, tương ứng với 52,43% vốn điều lệ mà SCIC nắm giữ tại KLH sẽ được đấu giá với mức khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần. Điều này cũng có nghĩa là để sở hữu toàn bộ cổ phần nói trên từ SCIC, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất 111,7 tỷ đồng.

Có bề dày lịch sử và tọa lạc trên 3,5 ha đất vàng tuy nhiên, Khách sạn Kim Liên vẫn chưa phát huy được các thế mạnh của mình.
Có bề dày lịch sử và tọa lạc trên 3,5 ha đất vàng tuy nhiên, Khách sạn Kim Liên vẫn chưa phát huy được các thế mạnh của mình.

Đến thời điểm hiện tại, website của HNX đã đăng tải toàn bộ thông tin về việc chào mua công khai cổ phần đấu giá KLH với sự tham gia của hàng chục cá nhân cũng như tổ chức.

Đáng chú ý trong những cá nhân đăng ký mua trọn lô cổ phần của KLH có những nhà đầu tư tuổi đời còn rất trẻ. Có thể kể đến ông Vũ Thế Cường (Hải Dương) sinh năm 1992 hay bà Đào Thu Hòa (Hà Nội) sinh năm 1990.

Một số nhà đầu tư cá nhân khác có thể kể đến là Đỗ Hoàng Phương (Ninh Bình), Nguyễn Huy Hùng (Hà Nội), Lê Thị Mùa (Hà Nội) đều sinh năm 1984, Dương Thị Huyền Quyên (Hà Nội) sinh năm 1980… Trong bản đăng ký, các cá nhân này đều cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn tự có để chi trả.

Về phía các nhà đầu tư tổ chức, không ít những cái tên đình đám cũng “nhòm ngó” cổ phần KLH như Tổng công ty Du lịch Hà Nội, CTCP Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Thaigroup, Tập đoàn xây dựng miền Trung, Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi…

Tuy nhiên, ứng viên nặng ký và được coi là có lợi thế hiện nay là GP Invest. Hiện tại, GP Invest là một trong 4 cổ đông lớn của KLH, sở hữu 6,6% vốn điều lệ công ty. Chủ tịch HĐQT của GP Invest là ông Nguyễn Quốc Hiệp đồng thời cũng là thành viên HĐQT của CTCP Du lịch Kim Liên.

Những cổ đông lớn khác có Ngân hàng GPBank (sở hữu 21,6%) và Công ty Tài chính bưu điện PT Finance (6,7%). Tuy nhiên, GPBank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và không loại trừ, phần vốn KLH do cổ đông này nắm giữ cũng sẽ được thoái ra trong tương lai.

Báo cáo kết quả kinh doanh của KLH cho thấy, trong năm 2014, tổng doanh thu và thu nhập của công ty đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 13,5 tỷ đồng và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.940 đồng/cổ phiếu. Đây không phải là những con số hấp dẫn hay gây ấn tượng.

Tuy nhiên, lợi thế của KLH là công ty này đang sở hữu Khách sạn Kim Liên, tọa lạc trên “khu đất vàng” rộng 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Vì vậy, có thể coi, lý do chủ yếu mà những nhà đầu tư trên sẵn sàng mua trọn lô 52,43% cổ phần KLH mà SCIC thoái ra chính là vì lợi thế của khu đất này. Với hoạt động kinh doanh không mấy ấn tượng vừa qua của KLH, nhà đầu tư vẫn có rất nhiều dư địa để cải tổ lại hoạt động kinh doanh.

Bích Diệp

 

Lộ diện hàng loạt đại gia tranh mua Khách sạn Kim Liên - 2