Lộ diện 2 đại gia chi 564 tỷ đồng mua HBC, tỷ lệ sở hữu ngang chủ tịch
(Dân trí) - Trong bối cảnh Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chồng chất khó khăn thì 2 cá nhân này chi 564 tỷ đồng mua cổ phiếu HBC, tỷ lệ sở hữu ngang Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải.
2 đại gia chi hơn 560 tỷ đồng mua cổ phiếu
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố sẽ phát hành 47 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, thu về 564 tỷ đồng. 2 đại gia sẵn sàng chi tiền mua cổ phiếu với giá cao hơn 1,5 lần giá giao dịch trên sàn chứng có tên là Phạm Quang Hàng và Mai Hữu Thung. 2 cổ đông chiến lược mới đầu tư vào Tập đoàn Hòa Bình sẽ chiếm tổng số cổ phần bằng sổ cổ phần mà ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, đang nắm giữ (khoảng 17,5% vốn).
Giao dịch này có thể gây bất ngờ lớn trên thị trường, trong bối cảnh ngành xây dựng gặp khó khăn. Tập đoàn Hòa Bình có kết quả kinh doanh không khả quan trong 2 quý vừa qua, lỗ lũy kế trên 1.100 tỷ đồng vào quý I/2023. Cổ phiếu HBC bị rơi vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/5 do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 (quá 45 ngày so với quy định). Công ty cũng vừa có sự thay đổi về bộ máy lãnh đạo cấp cao, bổ nhiệm mới Tổng giám đốc Lê Văn Nam.
Việc bán vốn cổ phần là một trong những quyết định quan trọng của HĐQT thời điểm này, để gỡ vướng dòng vốn. Ngoài ra, tập đoàn còn quyết định mua 75% phần vốn góp của Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân để đạt tỷ lệ sở hữu 100% tại dự án 127 An Dương Vương, quận 6, TPHCM.
Dự án có tổng diện tích hơn 1,5ha, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó gần 6.300 m2 là đất cho nhà ở thương mại cao tầng và dịch vụ, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước 218 tỷ đồng. Theo ông Lê Viết Hải, đây dự án rất tiềm năng, sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho tập đoàn.
HĐQT thông qua việc bán toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH MTV Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) là 167 tỷ đồng, lãi 40 tỷ đồng.
Tập đoàn còn thông qua việc đề nghị và giao dịch cấp tín dụng với Ngân hàng thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam. Hạn mức cấp tín dụng ngắn hạn tối đa 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức cho vay tối đa 1.000 tỷ đồng, hạn mức bảo lãnh tối đa 1.000 tỷ đồng. Mục đích bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh phục vụ hoạt động kinh doanh, thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng phát hành 5 triệu cổ phiếu cho Sanei.
Bên cạnh đó, tập đoàn thông qua thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Lê Viết Hải và bà Bùi Ngọc Mai (vợ ông Hải) đối với 3 khu đất có tổng diện tích gần 7.300m2 tại đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TPHCM với giá 120 tỷ đồng; thông qua việc mua lại toàn bộ cổ phần của ông Lê Viết Hải tại Công ty Pax International theo vốn thực góp (138 tỷ đồng).
Thắng kiện 10 vụ, thu hàng trăm tỷ đồng
Ông Lê Viết Hải còn cho biết trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán của đối tác với Hòa Bình, đã có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa. Tất cả đã được xử Hòa Bình đều thắng kiện. Trong đó, số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách kế toán là 829 tỷ đồng, tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Hòa Bình là 1.223 tỷ đồng bao gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh, tức cao hơn 48%. Hiện nay, tổng số tiền đã thu hồi công nợ là 593 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thu từ 10 vụ kiện đã thắng này là 630 tỷ đồng.
Ông Hải nhận định trong thời gian tới, thị trường bất động sản có thể hồi phục nên các công nợ sẽ dần được xử lý và tỷ lệ thu hồi không dưới 100%. Cuối cùng, số tiền thu về sẽ tăng thêm không dưới 15% số nợ gốc đã quá hạn. Lịch sử kinh doanh của tập đoàn chưa có một khoản nợ nào trong báo cáo tài chính cần phải trình thông qua HĐQT để xóa đi do mất khả năng thu hồi nợ.
Mặt khác, áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế, trong thời gian tới, Tập đoàn Hòa Bình sẽ cho đánh giá lại tài sản vì số liệu ghi nhận trong sổ sách kế toán đã quá lạc hậu.
Ví dụ, căn nhà 235 Võ Thị Sáu trụ sở cũ của Hòa Bình ghi nhận trong sổ sách chỉ 5,6 tỷ đồng vào năm 2000 bây giờ không thể dưới 100 tỷ đồng. Hoặc giá trị máy móc sau khi trừ đi khấu hao sẽ được đánh giá lại và có giá trị cao hơn giá trị sổ sách.