1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lỗ 1.200 tỷ đồng vì tỷ giá, ngành than "đòi" tính vào giá điện

(Dân trí) - Đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Do vậy, TKV kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện.

 

nhiet-dien-92f71
Nếu cộng tất cả các con số mà TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp 10 lần con số 1.200 tỷ đồng!

Báo cáo tại buổi họp giao ban trực tuyến Bộ Công Thương diễn ra sáng nay 3/9, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trong tháng 8, ngành than gặp nhiều khó khăn. Đợt mưa lũ lớn bất thường nhất trong vòng 40 năm qua tại tỉnh Quảng Ninh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành than trên địa bàn Tỉnh. 

Ông Vũ Anh Tuấn cũng cho hay, do chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho tập đoàn khoảng 1.200 tỷ đồng. Do vậy, TKV đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện.

Cũng liên quan đến chênh lệch tỷ giá, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, chênh lệch tỷ giá cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ tiêu tài chính của PVN. Ước tính sản lượng điện do Tập đoàn này cung cấp cho lưới điện quốc gia đến thời điểm hiện nay là trên 100 tỷ kWh.

Còn theo đánh giá của ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng đến lĩnh vực điện là rất lớn, riêng tỷ trọng điện của TKV chiếm 10-15% toàn hệ thống đã phát sinh lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng do TKV thống kê.

Ông Ngô Sơn Hải nhấn mạnh, Tập đoàn đang thống kê số liệu báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết, nó có ảnh hưởng rất lớn đến ngành điện nói chung. Nếu tất cả các đơn vị điện của TKV, PVN cũng lại đưa hết vào giá điện sẽ tác động rất lớn tới bức tranh tài chính của Tập đoàn.

Nhận định về vấn đề trên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và gửi ý kiến trình Chính phủ xem xét.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng.

Tính chung trong 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vững xu hướng tăng trưởng khá so với cùng kỳ của hai năm gần đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính và có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2014; tiêu thụ tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn so với cùng kỳ, đây là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Trong hoạt động thương mại, tháng 8 năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 2,3 % so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, dự báo giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tính chung trong 8 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 31,7 tỉ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỉ USD, tăng 14,7%.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò tăng trưởng khoảng 18,6%, song nhóm hàng chủ lực của Việt Nam là thuỷ sản, nông sản lại giảm 10,2%. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường như từ Thái Lan, Ấn Độ; giá dầu thô giảm kéo theo chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia, đồng thời dẫn đến hạn chế nhập khẩu...

Đặc biệt, nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm 46,6%, chủ yếu do sự sụt giảm của xuất khẩu dầu thô (dầu thô giảm 0,6% về lượng và giảm 48,7% về kim ngạch, do giá giảm 48,4%).

Phương Dung

 

Lỗ 1.200 tỷ đồng vì tỷ giá, ngành than "đòi" tính vào giá điện - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm