Lĩnh vực M&A tại Việt Nam hấp dẫn hàng đầu châu Á

(Dân trí) - Với mức doanh thu từ mảng mua bán, sáp nhập tăng trưởng tới 24% trong năm ngoái giữa lúc doanh thu toàn châu Á sụt giảm 10%, thị trường M&A Việt Nam đang được đánh giá là hứa hẹn hàng đầu châu lục.

Đây là nhận định của nhà báo Joyce Koh trong bài viết với tiêu đề: “Việt Nam dẫn đầu châu Á giữa lúc các ngân hàng đầu tư theo đuổi các thương vụ của Nhà nước” được đăng tải trên trang tài chính uy tín hàng đầu thế giới Bloomberg.

Lĩnh vực M&A tại Việt Nam hấp dẫn hàng đầu châu Á
Hoạt động mua bán sáp nhập đang diễn ra sôi động

Dẫn nguồn tin từ tập đoàn ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse, tác giả cho biết doanh thu mảng ngân hàng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay có thể tăng ít nhất 25% trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa còn các công ty nước ngoài đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập.

“Mảng ngân hàng đầu tư tại Việt Nam đã vượt lên xu thế sụt giảm doanh thu ở khu vực châu Á khi giá trị các thương vụ sáp nhập trong quý 1 vừa qua tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Nhờ lạm phát giảm tốc và chính phủ điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng, chỉ số VN- Index đã tăng 29% tính theo USD, và là chỉ số có mức tăng ngoạn mục thứ ba trong số 96 chỉ số chứng khoán chính được Bloomberg theo dõi”, bài báo viết trước khi trích dẫn nhận định của ông Lê Hoài Anh - Giám đốc điều hành ngân hàng Credit Suisse tại Việt Nam: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng”.

Chính phủ Việt Nam, những người đang đi theo mô hình của Trung Quốc trong việc giảm sự tham gia của nhà nước đến hoạt động kinh doanh, đã cam kết sẽ đẩy mạnh việc bán cổ phần tại các doanh nghiệp trong đó có ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Trong khi đó việc lạm phát đi xuống trong tháng thứ 8 liên tiếp đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong năm ngoái, theo số liệu của công ty nghiên cứu Freeman & Co có trụ sở tại New York, doanh thu từ mảng ngân hàng đầu tư tại Việt Nam tăng tới 24% giữa lúc doanh thu toàn châu Á giảm gần 10%. Dù vậy thì với giá trị doanh thu khoảng 46 triệu USD, quy mô thị trường M&A Việt Nam chỉ bằng một phần mười Indonesia.

“Lí do các ngân hàng vẫn theo sát và dành nhiều thời gian tại Việt Nam không phải vì 46 triệu USD mà vì những khoản đầu tư cho tương lai”, ông Chang Tou Chen, người đứng đầu mảng ngân hàng đầu tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC khẳng định.

Hồi tháng 4/2011, KKR & Co. đã có thương vụ đầu tư vào công ty tư nhân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam khi chấp thuận chi 159 triệu USD để mua cổ phần tại tập đoàn sản xuất nước mắm Masan Consumer Corp. Tháng 9 vừa qua, một ngân hàng quốc doanh với tên gọi Vietcombank cho biết sẽ bán 15% cổ phần cho ngân hàng Nhật Mizuho Financial Group Inc với giá 567 triệu USD, đánh dấu thương vụ mua bán cổ phiếu trong nước lớn nhất thập kỷ.

Ông Chang hy vọng mỗi năm sẽ có từ 1-2 thương vụ mua bán liên quan đến các công ty Việt Nam với giá trị hơn 500 triệu USD. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến 2 thương vụ lớn cỡ vậy đó là trường hợp của Vietcombank và vụ chuyển nhượng mảng hoạt động tại Việt Nam của ConocoPhillips cho Perenco SA. với giá 1,3 tỷ USD.

“Việt Nam, theo cảm nhận của chúng tôi, đang mở ra những cơ hội lớn cho chúng tôi trở thành cầu nối giữa Việt Nam với thị trường vốn quốc tế, cung cấp kinh nghiệm chuyên môn và giúp đỡ chính phủ cũng như khu vực tư nhân”, Rehan Anwer, một giám đốc của mảng ngân hàng đầu tư tại Việt Nam của Credit Suisse cho biết. Ông dự tính doanh thu từ lĩnh vực mua bán, sáp nhập trong năm nay có thể tăng 25%.

Thanh Tùng
(Lược dịch từ Bloomberg)