Liên tiếp "đón" tin xấu, niềm tin giá xe năm 2018 giảm đang bị "dội gáo nước lạnh"

(Dân trí) - Sau khi Nghị định 116 ban hành và có hiệu lực, nhiều hãng xe nhập khẩu kêu than khó nhập xe và ngay lập tức thị trường xe biến động, giá một số xe nhập đã chững lại. Thông tin Bộ Tài chính "bác" đề xuất không tính thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị gia tăng trong nước của ô tô Việt lại dội gáo nước lạnh vào niềm tin của người tiêu dùng về kịch bản: Giá xe năm 2018 sẽ giảm.

Niềm tin giá xe sẽ giảm bị "dội gáo nước lạnh"

Năm 2017 đi qua, thị trường ô tô chứng kiến cơn thoái trào của giá xe khi lần lượt nhiều dòng xe cả xe lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu đều giảm giá do thuế nhập khẩu từ xe từ ASEAN về Việt Nam giảm thêm 10% từ 40% xuống 30%, trong đó có lượng lớn xe Thái, Indonesia.


Liên tiếp những thông tin không vui đối với chính sách ô tô khiến thị trường xe trước tết âm lịch biến động, niềm tin xe rẻ năm 2018 không còn.

Liên tiếp những thông tin không vui đối với chính sách ô tô khiến thị trường xe trước tết âm lịch biến động, niềm tin xe rẻ năm 2018 không còn.

Chưa bao giờ người tiêu dùng cảm nhận xe mất giá nhanh như năm 2017. Nhiều đại lý "khiếp hãi" cơn lốc giảm giá xe không dám nhập hàng nhiều. Bởi chỉ trong vòng 1 tháng, có loại xe 2 lần điều chỉnh giá bán, khiến nhiều ông lớn kinh doanh xe ôm hận, chỉ bán bằng giá thậm chí phải duy trì nhiều mức chiết khấu cao hơn hãng để lấy khách.

Cũng năm 2017, chưa bao giờ người dân tin vào viễn cảnh năm 2018 giá xe sẽ tiếp tục giảm nhanh, mạnh về giá trị thực của một loại phương tiện đi lại thay vì tài sản cất trữ, đánh bóng tên tuổi như trước kia.

Nhiều người cho rằng, năm 2018 sẽ có rất nhiều cơ hội để giá xe giảm bởi họ tin vào các con số định lượng như: Thuế nhập xe từ ASEAN trong đó chủ yếu là Thái Lan, Indonesia về 0%, thuế TTĐB đối với xe dưới dung tích 2.0L sẽ giảm từ 45% xuống 40% (từ 1/1/2018), xe dung tích dưới 1.5L trở xuống sẽ chỉ còn bị 35%. Ngoài ra, năm 2017, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng lần lượt đệ trình Thủ tướng, Chính phủ và đề xuất các bộ, ngành phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi hàng loạt về thuế nhập khẩu, thuế TTĐB với xe trong nước…

Tất cả tín hiệu vui đều diễn ra trong cùng một thời gian, cùng thông điệp: Cởi trói cơ chế thuế, phí và mở cửa thị trường đối với ô tô tại Việt Nam. Điều này khiến người tiêu dùng tin vào một năm 2018 với giá xe giảm mạnh, về giá trị thực.

Giá xe nhập đỏng đảnh, giá xe trong nước khó hạ

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, nhiều nhà nhập khẩu ô tô đã lên tiếng cảnh báo những cơ chế chặt chẽ của Nghị định 116 sẽ ảnh hưởng lớn đến xe nhập khẩu ở thị trường Việt Nam. Liên tiếp ý kiến của liên doanh ô tô Nhật Bản, của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra cảnh báo việc yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hoặc phải thử nghiệm từng lô sẽ gây tốn kém, không thể nhập hoặc khiến DN nhập phải mất thời gian nhập xe về Việt Nam.

Và sự thật, ngay từ đầu năm 2018, nhiều loại xe nhập không còn giảm giá như trước kia, thậm chí ngay cả những dòng xe đời cũ còn sót lại vốn giảm giá nhanh, mạnh để giành khách hoặc dọn đường cho xe mới vào Việt Nam như: Honda CRV, Mitsubishia Outlander cũng không còn được giảm giá nữa. Người bán cho rằng: Giá đã xuống đáy, hiện tại xe đời 2017 hết hàng.

Những tín hiệu của việc siết chặt quy định về đăng kiểm, hải quan vô tình đã khiến cho các doanh nghiệp xe nhập khó khăn, chặn dòng giảm giá xe cuối năm, khiến một số hãng, đại lý "thừa nước đục thả câu" tăng giá một số dòng xe vì lý do “khan hàng cuối năm”. Quân bài "bình mới mà rượu vẫn cũ" tăng giá cuối năm của các hãng xe như mọi năm lại được tái diễn.

Với thông điệp "bác" thẳng thừng đề xuất không tính thuế TTĐB đối với phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước nhằm giảm giá ô tô “made in Việt Nam” của Bộ Công Thương, có thể coi là một thất bại nữa của chính sách ưu đãi đối với ngành ô tô trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, thuế TTĐB là thuế riêng được các nước đánh vào hàng hóa để hạn chế tiêu dùng nên khó có thể nói vi phạm các cam kết quốc tế, ngay các nước như Singapore đánh thuế rất cao xe hơi trong khi họ cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại tư do.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định: "Việc bác bỏ đề xuất giảm và miễn thuế TTĐB có thể không tác động ngay đến giá vì đây chỉ là đề xuất nhưng ảnh hưởng lớn đến niềm tin thị trường, tin vào giá xe Việt sẽ giảm”.

Trước đó vào tháng 6/2017, tại Dự thảo Nghị định về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô và Báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển ngành sản xuất ô tô gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31 tháng 12 năm 2022.

Theo đó, không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Bộ này còn yêu cầu: Bộ Tài chính thời gian tới cần rà soát và đề xuất điều chỉnh về các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Luật số 32/2013/QH13 theo hướng các dự án sản xuất ô tô có quy mô lớn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, không phân biệt địa bàn đầu tư.

Nguyễn Tuyền

Liên tiếp "đón" tin xấu, niềm tin giá xe năm 2018 giảm đang bị "dội gáo nước lạnh" - 2