Hai kịch bản mới về thuế đặc biệt với ô tô

Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa các luật thuế của Bộ Tài chính, một số ý kiến đề nghị không sửa quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống.

Lý do việc sửa đổi này sẽ phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, dẫn đến vi phạm cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Không ưu tiên thêm cho ô tô trong nước

Về ý kiến nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án. Phương án 1: Giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ chín chỗ trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành. Điều này có nghĩa giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ chín chỗ trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra, không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Phương án 2: Thực hiện theo phương án đề xuất của Bộ Công Thương. Cụ thể, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ chín chỗ trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Phương án này sẽ giúp giá ô tô do các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước có cơ hội giảm giá nếu tỉ lệ linh kiện “made in Việt Nam” càng lớn.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính thấy rằng phương án này chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia (NT) nêu tại Điều III, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT).

Cụ thể: Điều III khoản 1: Các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa cũng như luật hay quy tắc yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa cùng các quy định định lượng trong nước yêu cầu có pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng tỉ trọng xác định, không được áp dụng với sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.

Từ lập luận trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 1. Điều này có nghĩa không có thêm ưu đãi riêng cho xe sản xuất trong nước sử dụng linh kiện “made in Việt Nam”.

Hai kịch bản mới về thuế đặc biệt với ô tô - 1

Tăng thuế ô tô bán tải

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ Tài chính không tăng thuế TTĐB đối với xe bán tải (pick-up). Lý do xe bán tải sử dụng nhiều vào mục đích kinh doanh, không phải sử dụng cho mục đích tiêu dùng cá nhân.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính thấy rằng xe bán tải có kích thước lớn, tiêu tốn nhiên liệu hơn xe du lịch. Song do mức thuế TTĐB thấp, thiết kế và trang thiết bị tiện nghi không kém hơn xe du lịch nên ngày càng được ưa chuộng, được lựa chọn thay thế cho tiêu dùng xe du lịch.

Vì vậy, để bảo đảm định hướng tiêu dùng dòng xe này phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính đề nghị giữ như dự thảo luật, tức tăng thuế với loại xe bán tải. Loại này chủ yếu có dung tích từ 2.000 đến 3.000 cm3 nên nếu thuế suất là 55% như xe từ chín chỗ trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%.

Như vậy, có thể thấy cơ hội để ô tô sản xuất trong nước giảm giá là rất mong manh. Ngoài ra, sắp tới dòng ô tô bán tải sẽ tăng giá.

Theo TP
Pháp luật TPHCM

Hai kịch bản mới về thuế đặc biệt với ô tô - 2