"Liên kết lưới truyền tải điện, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, việc liên kết lưới điện truyền tải là yêu cầu thiết yếu, không chỉ góp phần khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng mà quan trọng hơn là tạo mối liên kết bền vững cho hệ thống điện.

Phóng viên đã trao đổi với ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về nội dung này.

Liên kết lưới truyền tải điện, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - 1
Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT.

Thưa ông, từ khủng hoảng năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng việc liên kết lưới điện truyền tải giữa các quốc gia trong khu vực có ý nghĩa rất quan trọng. Xin ông cho biết, hiện nay EVNNPT đã triển khai liên kết lưới điện với các nước trong khu vực như thế nào?

- Hiện nay các nước châu Âu đang rơi vào vòng xoáy tăng giá khí đốt và giá dầu. Nhiều nước trong khu vực châu Âu đã tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng có giá thành rẻ hơn để tránh tăng giá điện cho người tiêu dùng trong nước.

Đối với Việt Nam, theo tính toán của Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia và HTĐ miền Bắc, trong năm 2022 và một số năm tiếp theo có thể xảy ra tình trạng thiếu điện ở khu vực miền Bắc, nên chúng ta tiếp tục nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220kV về Lào Cai và Hà Giang đã đóng điện vận hành từ năm 2006. Mục đích của việc nhập khẩu điện Trung Quốc là để bù cho phần công suất thiếu hụt có thể xảy ra trong các năm tới nhằm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là luôn đảm bảo đủ điện cho các hoạt động kinh tế xã hội. Chúng ta vẫn tiếp tục nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện của Lào qua các đường dây 220kV Xekaman 3 - Thạnh Mỹ (Quảng Nam) và Xekaman 1 - Plei Ku (Gia Lai). Ngoài ra, EVNNPT còn liên kết với lưới điện Campuchia thông qua đường dây 220kV Châu Đốc - Ta Keo từ những năm cuối của thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21.

Liên kết lưới truyền tải điện, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - 2
Đường dây 220kV Xekaman 3 - Lào liên kết lưới điện Việt Nam - Lào.

Việc liên kết lưới điện truyền tải với các nước láng giềng có ý nghĩa như thế nào thưa ông? Lộ trình thời gian tới EVNNPT có đẩy mạnh liên kết sâu rộng với các nước trong khu vực không thưa ông?

- Chủ trương liên kết với lưới điện các nước trong khu vực được Chính phủ Việt Nam quan tâm và chỉ đạo từ đầu những năm 2000 với chiến lược trọng tâm là nhập khẩu 2000-3000MW các nhà máy điện của Lào cũng như liên kết với lưới điện Campuchia và Trung Quốc. Việt Nam đã có kinh nghiệm gần 20 năm liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, khởi đầu là cấp điện áp 110kV, rồi nâng lên 220kV với 5 hướng kết nối tại Lào Cai, Hà Giang, Quảng Nam, Gia Lai và An Giang.

Việc liên kết lưới điện nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên sẵn có, giảm tổn thất truyền tải, tăng tính dự phòng, từng bước khởi tạo và hoàn thiện thị trường điện khu vực và quốc tế.

Trong 10 năm tới sẽ đẩy mạnh liên kết với lưới điện của Lào ở các tỉnh biên giới: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam ở cấp điện áp 220kV và 500kV để nhập khẩu điện từ Lào. Ngoài ra EVNNPT sẽ nâng cấp liên kết lưới điện khu vực lên cấp điện áp 500kV tại 3 điểm Sơn La, Quảng Nam, Kon Tum để tham gia hình thành xương sống lưới điện truyền tải ASEAN Power Grid (APG) đã được lãnh đạo ASEAN thông qua từ năm 2014, hướng tới Thị trường điện các nước ASEAN nằm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Liên kết lưới truyền tải điện, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - 3
Đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo liên kết lưới điện Campuchia - Việt Nam.

Khi liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, đâu là thách thức trong vận hành đối với hệ thống truyền tải điện? Giải pháp để vận hành an toàn lưới điện truyền tải điện liên kết là, thưa ông?

- Do mỗi nước trong khu vực áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình vận hành khác nhau nên khó khăn lớn nhất khi bắt đầu liên kết lưới điện với các nước khu vực là hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật để thiết kế, xây dựng các công trình lưới điện liên kết cũng như việc phối hợp vận hành lưới điện truyền tải liên kết các nước. Trong nhiều trường hợp như ở Campuchia và Lào, khi hình thành lưới điện liên kết phía bạn còn chưa có các công trình tương tự để hiểu biết về việc vận hành lưới điện cao áp. Các cán bộ kỹ thuật của EVNNPT và các Công ty truyền tải điện đã trực tiếp đào tạo kỹ thuật và tham gia phối hợp vận hành, cùng xử lý sự cố với cán bộ kỹ thuật của phía bạn để đảm bảo vận hành an toàn, liên tục các đường dây truyền tải liên kết. Ngoài ra dưới sự bảo trợ của Chính phủ các nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và các nước tiểu vùng sông Mê Kông GMS, các nước bạn Lào và Campuchia đã hài hòa các Tiêu chuẩn kỹ thuật của mình để phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và Quốc tế. Đến nay các bên đều đã quen thuộc với công nghệ liên kết lưới điện truyền tải ở cấp điện áp 220kV, phối hợp vận hành an toàn lưới điện liên kết khu vực.

Liên kết lưới truyền tải điện, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - 4
EVN triển khai thi công dự án đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương (tháng 11/2021) để nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Trong thời gian tới, khi chúng ta nâng cấp liên kết lưới điện truyền tải thành cấp siêu cao áp 500kV thì các yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực vận hành, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đấu nối chung, cũng như phối hợp vận hành ở cấp siêu cao áp sẽ phải được thực hiện như những năm đầu liên kết lưới điện xuyên biên giới. Hơn nữa EVNNPT đã có Công ty dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) chuyên nghiệp nên việc hỗ trợ các nước bạn vận hành sẽ có thể thực hiện tốt hơn so với trước đây.

Để thực hiện liên kết lưới điện truyền tải được hiệu quả, EVNNPT có đề xuất kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

- EVNNPT trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc hỗ trợ nhiệt tình EVNNPT thực hiện nhiệm vụ chính trị: Phát triển và vận hành hệ thống truyền tải điện trên toàn quốc nói chung và lưới điện truyền tải liên kết nói riêng liên tục, an toàn, ổn định phục vụ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

EVNNPT đang hướng tới mục tiêu thành Đơn vị truyền tải tiên tiến đứng ở Top đầu châu Á, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực quản lý vận hành, dịch vụ kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp tầm cỡ khu vực, châu lục và thế giới để có thể xuất khẩu các dịch vụ này sang các nước khác.

Để đảm bảo an ninh năng lượng nói chung và tăng cường hiệu quả liên kết lưới điện truyền tải nói riêng, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực mạnh triển khai đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình nguồn thủy điện và điện gió có tiềm năng trên đất Lào, tăng khả năng cạnh tranh tốt hơn so với các doanh nghiệp của các nước khác trong khu vực (như Trung Quốc, Thái Lan) cũng đang triển khai đầu tư tại Lào. Ngoài ra, cần thực hiện tăng cường tuyên truyền người dân, doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia bảo vệ hàng lang an toàn của lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Xin cảm ơn ông!