Liên doanh "đi buôn'' và cuộc rượt đuổi của các hãng xe Việt

(Dân trí) - Tuần qua, thị trường xe hơi vẫn khá vắng lặng khi những thông tin xe hơi tại Việt Nam không có nhiều thay đổi đáng kể ngoại trừ số xe nhập từ Thái Lan tiếp tục đổ bộ ồ ạt về Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là diễn biến đáng chú ý trên thị trường xe Việt Nam.

Liên lắp ráp tranh thủ "đi buôn"

Theo dữ liệu của hải quan Việt Nam, trong tháng 11/2018, lượng xe nhập về Việt Nam đã đạt trên 12.000 chiếc, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Xe nhập Thái đang đổ bộ rất mạnh về Việt Nam
Xe nhập Thái đang đổ bộ rất mạnh về Việt Nam

Đáng chú ý, lượng lớn xe từ Thái Lan đổ bộ về Việt Nam với số lượng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước khi cán mốc hơn 6.000 chiếc/tháng.

Theo bảng số liệu mà Tổng cục Hải quan đua ra, tính riêng trong tháng 11, lượng xe con của Thái nhập về Việt Nam đã đạt hơn 3.700 chiếc, chiếm gần 70% tổng lượng xe con nhập về Việt Nam. Cùng với đó, là hơn 95% lượng xe bán tải đổ bộ vào thị trường, điều này khẳng định lượng xe Thái đã và đang ở nhập về Việt Nam với số lượng nhiều chưa từng có so với thời gian trước đây.

Đáng nói, ngày càng nhiều chủng loại xe Thái, Indonesia được Honda và Toyota nhập về Việt Nam hơn thay vì tăng sản lượng, nội địa hóa các xe sản xuất trong nước.

Cụ thể, Honda hiện có 6 mẫu nhập nguyên chiếc từ Thái Lan và các nước khác, tiêu biểu nhất là CRV, HRV, Jazz, Civic, Accord mới nhất là mẫu xe nhỏ Brio. Trong khi đó, thị trường trong nước chỉ duy trì sản xuất dòng City.

Hiện so với các liên doanh như Toyota, Nissan hay Ford, Honda là hãng xe có ít sản phẩm được lắp ráp nhất tại Việt Nam, đa phần dòng xe đang chạy doanh số tại Việt Nam của hãng được nhập từ Thái Lan.

Cùng với Honda, Ford và Toyota cũng là hai hãng liên doanh đang tăng cường nhập xe về Việt Nam, Ford gần đây đưa khá nhiều mẫu xe của Ranger về Việt Nam, trong đó có mẫu hai mẫu mới là Ranger Wildtrak và Raptor. Hiện lượng xe bán tải Thái Lan nhập vào Việt Nam cũng đạt hơn 2.600 chiếc trong tháng 11, chiếm gần 90% so với tổng lượng xe bán tải nhập về Việt Nam.

Hiện Ford chủ yếu sản xuất, lắp ráp mẫu SUV EcoSport, Sedan Focus, Fiesta.

Với Toyota, liên doanh xe số 1 Việt Nam, hiện cũng tăng cường khả năng đi buôn trong năm 2018. Chỉ trong năm 2018, lần lượt ba mẫu xe là Rush, Avanza đến Wigo được tăng cường nhập khẩu về Việt Nam.

Các ông lớn xe lắp ráp Việt "bung sức"

Cuộc đua tại thị trường tiêu thụ 100 triệu dân ở Việt Nam là đấu trường rất lý tưởng cho mọi hãng va doanh nghiệp xe tỷ thí với nhau, nhất là thị trường rộng lớn ấy đang có thu nhập tăng dần và khát khao xe hơi rất lớn.

Các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước đang cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xe liên doanh lớn
Các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước đang cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xe liên doanh lớn

Từ năm 2000, khi các đế chế liên doanh như Toyota, Honda, Ford hoặc Mercedes hùng mạnh, chi phối mọi mặt đời sống xe hơi Việt, các hãng xe tư nhân như Trường Hải - Thaco hay Hyundai Thành Công chưa đủ sức để cạnh tranh ở phân khúc xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp xe tư nhân đã lớn mạnh không chỉ cạnh tranh mà còn có thị phần, doanh số tiêu thụ xe dưới 9 chỗ ngồi lấn lướt hơn các hãng liên doanh.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán ra của Thaco - Trường Hải và Hyundai Thành Công trong 10 tháng qua đạt hơn 90.000 chiếc, chiếm gần 65% tổng doanh số bán ra của xe con dưới 9 chỗ ngồi trong 10 tháng qua (138.000 chiếc), đứng đầu về doanh số.

Cũng theo VAMA, hiện trong nhóm doanh nghiệp xe hơi, tiêu thụ xe của Honda và Toyota đã không còn đứng top 1 và chiếm lượng bán ra đa số như trước kia.

Thị phần hiện nay đã được chia nhỏ cho các hãng khác nhau. Riêng tại Việt Nam, Thaco - Trường Hải và Hyundai - Thành Công là hai doanh nghiệp lắp ráp xe có doanh số bán khá tốt, riêng Thaco, hết 10 tháng đầu năm, ông lớn xe này bán được hơn 47.800 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi, vượt qua các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi của Toyota, hãng xe liên doanh lớn nhất Việt Nam.

Còn với Hyundai Thành Công, tổng lượng bán xe của doanh nghiệp này hết 10 tháng của năm 2018 là hơn 44.200 chiếc, đứng thứ 4 thị trường sau Thaco, Toyota, xếp trên Honda và Ford.

Ngỡ ngàng mất trăm triệu vì "phí trước bạ"

Theo chia sẻ với báo giới, khá nhiều khách hàng bức xúc cho biết một số mẫu ô tô họ mua với giá thấp hoặc phiên bản thấp hơn nhưng vẫn phải đóng lệ phí trước bạ dựa trên giá của phiên bản cao nhất.

Nghịch lý này khiến người mua xe mất oan từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi chiếc xe tùy loại.

Nhiều người tiêu dùng mất tiền oan
Nhiều người tiêu dùng mất tiền oan

Ông Nguyễn Tài, nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM mới đây mua một chiếc ô tô mẫu Everest Trend với giá hơn 1,1 tỉ đồng nhưng phải đóng lệ phí trước bạ cho mẫu xe cao cấp hơn là Everest Titanium với giá 1,39 tỉ đồng.

Anh Quốc Việt, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM dẫn chứng nếu trước đây mẫu xe Toyota Land Cruiser VX loại 4,6L giá tính lệ phí trước bạ chỉ 2,41 tỉ đồng nhưng theo bảng giá mới lên đến 3,72 tỉ đồng, tăng 1,3 tỉ đồng. Số tiền mà người mua phải bỏ thêm là hơn 157 triệu đồng.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM khẳng định cơ quan thuế làm đúng theo quy định. Cụ thể là để tính lệ phí trước bạ ô tô nhập khẩu, cơ quan thuế căn cứ vào mức giá do Bộ Tài chính công bố. Tuy vậy, vị đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết đã đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh mức độ biến động giữa giá xe của bộ này công bố với giá bán của các hãng xe cho hợp lý hơn.

"Hốt bạc" vì giải cứu xe hơi ngập nước

Những thợ sửa xe chăm chỉ, chịu khó “chạy sô” có thể kiếm từ 2 – 3 triệu đồng trong những ngày mưa ngập vì nhu cầu sửa xe ô tô tăng cao.

TPHCM đã hứng chịu cơn mưa kéo dài nhất kể từ đầu năm do ảnh hưởng của Cơn bão số 9 (Usagi). Hàng trăm tuyến đường của thành phố bị ngập nặng khiến hàng loạt xe ô tô chết máy, hỏng hóc.

Xe ngập nước tại TP.HCM là cơ hội cho cánh sửa xe kiếm bộn tiền
Xe ngập nước tại TP.HCM là cơ hội cho cánh sửa xe kiếm bộn tiền

Theo ông Hồ Văn Bảy (ngụ quận Phú Nhuận), đêm qua, chiếc xe Toyota Vios của anh bị ngập nước ở quận Bình Thạnh nên anh nhờ mọi người xung quanh đẩy xe vào lề đường. Anh kiếm thợ sửa xe cả đêm nhưng không có.

Không những khó kiếm thợ, những ngày mưa và ngập tại TP.HCM người có xe ngập nước phải tìm đỏ mắt nhưng vẫn không được thợ sửa xe ưng ý.

Theo anh Hoàng, garage không có phương tiện để kéo xe của khách về nên các thợ trong garage phải tỏa ra khắp thành phố để đi sửa xe lưu động. Tùy vào trường hợp hỏng hóc của từng xe mà chủ xe sẽ được báo giá cụ thể.

Theo lời kể của một thợ sửa xe chuyên nghiệp, nếu xe ô tô làm các dịch vụ như dọn nội thất, sấy khô, dọn khoang động cơ, phủ gầm, phủ sàn…thì giá các dịch vụ dao động từ 1 – 3 triệu đồng. Những ngày TPHCM mưa ngập thì thợ sửa xe ô tô làm không hết việc. Nhiều thợ sửa xe ô tô chăm chỉ có thể kiếm thêm 2 – 3 triệu đồng/ngày.

An Linh (Tổng hợp)

Liên doanh "đi buôn'' và cuộc rượt đuổi của các hãng xe Việt - 5