Lịch sử Viettel qua câu chuyện về “dự án khủng khiếp” từ 2 người lính đời đầu

(Dân trí) - Tháng 9/1999, Viettel nghiệm thu bàn giao tuyến đường trục cáp quang 1A dài gần 2.000 km với 19 trạm chính. Đây là đường trục cáp đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, thi công không có sự tham gia của nước ngoài. Những người lính đã khởi động một thực tại mới cho ngành viễn thông Việt Nam.

Những ngày đầu tiên và dự án thay đổi số phận Viettel

Thuộc thế hệ đầu tiên gia nhập Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin – SIGELCO (tiền thân của Viettel), ông Đỗ Ngọc Cường, nguyên Giám đốc công ty Thương mại & Xuất nhập khẩu Viettel, nhớ như in những ngày tháng đầu tiên. “Năm 1990, SIGELCO dù là Tổng công ty nhưng chỉ có hơn 30 người với 3 bộ phận chính: khảo sát thiết kế, xây lắp công trình và kinh doanh – là chỗ tôi làm việc”, ông Cường nói.

“Lương chúng tôi thời đó cỡ 800.000 đồng/tháng, chỉ đủ ăn thôi chứ không còn gì để dành hay mua sắm. Nhưng thời đó thì ai cũng vậy cả”, ông cho biết.

“Chúng tôi làm đủ thứ việc trên đời”, ông Cường nói và nhớ lại có lần nghe tin Đại sứ quán Nga đang có ít cáp đồng còn dư, nhóm ông đã tất tả ngược xuôi để kết nối để mua về rồi bán lại cho bên Bưu điện. “Ngày đó, mỗi khi có dự án thành công, anh em lại rủ nhau đi bia hơi lạc luộc chứ chẳng bao giờ bước chân vào nhà hàng”, ông Cường tâm sự.

Khi Tổng công ty bước vào làm kinh doanh, cung cấp thiết bị cho Binh chủng Thông tin liên lạc, SIGELCO đối mặt với không ít sự cạnh tranh của các DNNN khác.

“Có lần Bộ Tư lệnh muốn mua 6 cặp vi ba trị giá hơn 100.000 USD, giờ thì con số này nghe cũng đơn giản thôi, nhưng thời đó thì vô cùng lớn, lại sử dụng ngân sách Nhà nước nên việc đấu thầu, chọn thầu vô cùng chặt chẽ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác”, ông Cường kể và nói rằng cả phòng xuất nhập khẩu của ông đã được huy động để nghiên cứu dự án.

Lịch sử Viettel qua câu chuyện về “dự án khủng khiếp” từ 2 người lính đời đầu - 1

Hệ thống vi ba, theo nhóm ông phân tích, có thể chẻ ra làm 3 mục gồm hệ thống nguồn, thiết bị, ăng ten và có thể mua thẳng từ phía nhà sản xuất, nhằm tối ưu hoá chi phí. SIGELCO tính đến phương án này bởi có lợi thế về kỹ thuật. Hầu hết thành viên của công ty thời điểm đó xuất thân là dân kỹ thuật.

“Người không chuyên về kỹ thuật thì họ không dám mua lẻ từng phần đâu, họ mua đồng bộ thiết bị luôn vì sợ máy móc không hoạt động. Do vậy, họ phải qua bước trung gian, mất chi phí, vì làm gì có nhà máy nào sản xuất từ A-Z một hệ thống. Mình hơn họ ở điểm này, dám tách thiết bị để mua trực tiếp từ các nhà sản xuất nên thường có giá tốt hơn”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, thách thức không chỉ ở tối ưu hoá chi phí mà còn ở việc lắp ráp các thiết bị đảm bảo thông tin thông suốt. Những người lính ở SIGELCO đã tới thuyết minh phương án và thuyết phục được Tư lệnh Binh chủng.

Cuối cùng, dự án được giao cho SIGELCO và thành công tốt đẹp tạo ra mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên. “Tổng công ty cũng trưởng thành dần lên và được quân đội giao những nhiệm vụ lớn hơn”, ông Cường nhận xét và nhắc đến dự án cáp quang quân sự 1A.

“Cáp quang 1A là dự án trọng điểm quốc gia, được giao ngân sách đặc biệt do Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đứng ra chủ trì thực hiện. Đây là lần đầu tiên quân đội thực hiện xây dựng đường cáp quang từ Bắc đến Nam”, ông cho biết.

“Khó khăn là không tránh khỏi”, ông Cường nói rất bình thản về những điều không tưởng mà công ty này đã vượt qua trong dự án cáp quang 1A. Người lính này kể rằng nhiều vấn đề mua sắm thiết bị còn phải xin ý kiến của Bộ Quốc Phòng.

“Anh Hồ Tri Liêm, khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin – chủ dự án, lúc đi lắp đặt kiểm tra còn nói là ‘nếu hệ thống không thông thì tôi chui vào rừng luôn, không về nữa’. Đến mức như vậy cơ mà!”, ông Cường hài hước nhắc lại câu nói vui của vị Thiếu tướng từng giúp đỡ Viettel thời kỳ đầu. Tuy nhiên, điều này cũng để chứng minh rằng với tất cả người làm, từ phía thực hiện, đến chủ quản dự án, đã đặt toàn bộ sinh mạng chính trị vào đường cáp quang này.

Dự án về sau đã thành công. Việt Nam đã có đường trục cáp quang 1A dài gần 2.000 km với 19 trạm chính do người Việt Nam tự thiết kế, thi công không cần sự tham gia của chuyên gia nước ngoài. Dự án thành công khiến Viettel có được sự tín nhiệm lớn trong nước, đồng thời đào tạo cho doanh nghiệp hàng loạt cán bộ quản lý cấp cao sau này.

Đơn cử như ông Hoàng Anh Xuân, Giám đốc nhà máy sản xuất ống nhựa cho dự án về sau đã về công ty rồi trở thành TGĐ Tập đoàn Viettel sau này; ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Lê Đăng Dũng – trực tiếp phụ trách kỹ thuật dự án, ông Hùng trở thành TGĐ Viettel, và nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông còn ông Dũng hiện là Quyền Chủ tịch Viettel.

Các nhân sự kỹ thuật chủ chốt khác trong dự án như ông Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Thanh Nam (hiện đều là PTGĐ Tập đoàn Viettel) và ông Lê Hữu Hiền (PTGĐ Tổng công ty công trình Viettel)... cũng được trưởng thành từ đây.

Khởi đầu là một công ty nghèo khó, đầy khó khăn nhưng Viettel đã bắt đầu với ngành viễn thông bằng việc xây dựng đường trục cáp quang 1A và sau này cũng là các đường trục cáp quang tiếp theo. Điều này thể hiện triết lý xây dựng hạ tầng bền vững của một công ty luôn muốn tạo ra một thực tại mới, làm điều khác biệt. Trước đó, các công ty nước ngoài thường chọn viba vì triển khai nhanh, giá rẻ chứ không chọn bài toán khó là cáp quang.

Giờ đây, tại Việt Nam, Viettel đã có tới 5 đường cáp quang với chiều dài đủ quấn 7 vòng trái đất. Còn nếu tính số km cáp quang của Viettel trên toàn thế giới, chiều dài có thể quấn đủ 9 vòng. Trên thế giới, chỉ có Viettel mới làm như vậy.

Làm di động phải thật nhanh, chậm là chết!

Viettel sau đó được cấp phép khai thác thử nghiệm dịch vụ VoIP (mã số 178). Sự kiện này được xem là bước ngoặt trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông không chỉ với Viettel mà còn với ngành viễn thông Việt Nam.

“Trước đây Công ty Viễn thông Quân đội không có tiếng tăm gì mấy, chỉ khi có dịch vụ 178 thì mới tạo được tiếng vang”, ông Lê Công Cẩn, nguyên Chủ nhiệm Chính trị của Viettel cho biết, “Tôi còn nhớ năm 2000, công ty doanh thu đâu đó được 50 tỷ đồng”. Ông Cẩn về Viettel năm 2003, đảm nhận vị trí Trưởng phòng kế hoạch của công ty.

Lịch sử Viettel qua câu chuyện về “dự án khủng khiếp” từ 2 người lính đời đầu - 2

Thời điểm làm dự án VoIP được ông Cẩn gọi là mốc của Viettel, cho thấy sự chuyển mình của đơn vị, hướng ra thị trường bên ngoài. Dù vậy, chỉ một thời gian sau, ban lãnh đạo công ty đã phân tích rằng sau đỉnh cao sẽ là giai đoạn thoái trào, xuống dốc, vì vậy, Viettel cần chuyển sang dịch vụ mới. Bước tiếp theo của công ty là làm dịch vụ di động.

“Mặc dù chúng tôi được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ di động từ những năm 1995 nhưng phải mãi về sau này, đến năm 2003 – 2004 mới triển khai, hoàn thiện được”, ông Cẩn nói.

Nhưng dự án thông tin di động cũng là một nước cờ mạo hiểm của Viettel. Nhớ lại, ông Đỗ Ngọc Cường gọi đây là dự án “khủng khiếp”. “Ngày đấy chúng tôi không có nhiều tiền đâu, nếu dự án không thành công thì cả công ty sẽ sụp đổ”, ông nói.

Ông Cường cho biết ước mơ của ông Hoàng Anh Xuân (Tổng giám đốc Viettel lúc đó) chỉ mong có được 500 trạm phát sóng trên toàn quốc để có đủ tiền thu về, bù đắp các khoản đầu tư. “Nó có nghĩa là chúng tôi không chết”, ông nhấn mạnh.

Nhưng rồi Viettel đã có nhiều hơn 100 trạm ở lần đầu tiên, rồi tiếp tục phát triển thành 1.000, 5.000 đến 10.000 trạm phát sóng khắp đất nước.

“Tư duy hồi đó của chúng tôi là phải làm thật nhanh”, ông Cường nói. Như ông kể lại, ông Hoàng Anh Xuân từng “dẹp luôn” yêu cầu phải có bản vẽ, hồ sơ mà cứ thế lắp đặt.

“Khẩu hiệu của Viettel lúc đó là phải nhanh, chuyên nghiệp, rồi mới đến hiệu quả. Đầu tư phải nhanh, chậm là chết”, ông Cường nói. Thời điểm ấy, nếu các doanh nghiệp khác lắp 1 trạm thu phát sóng mất 7 ngày thì Viettel chỉ 2 ngày.

“Tôi thì nhớ là anh Xuân chỉ đạo là phải làm thật nhanh. Viettel làm sau các đơn vị khác hàng chục năm nên cần phải như vậy để phổ thông hoá trên toàn quốc, biến dịch vụ di động từ xa xỉ trở thành hàng hoá bình dân”, ông Cẩn cho biết.

Ngày ấy, “dân Viettel” hay nói đùa là đang dùng “nông thôn bao vây thành thị” dù biết rõ là ở các thành phố lớn, nhu cầu và giá trị thuê bao sẽ tốt hơn nhưng số lượng sẽ mang về cho Viettel những thứ khác.

“Về sau tôi cũng phần nào hiểu được chủ ý của Ban giám đốc, vì chúng tôi đã cam kết với đối tác là khi phát sóng xong, có doanh thu thì mới trả tiền. Đầu tư hạ tầng vốn rất lớn mà, nên bằng mọi giá phải phát sóng nhanh, để có tiền trả cho người ta”, ông Cẩn chia sẻ.

Tương lai của Viettel

Điểm đặc biệt của Viettel theo ông Cẩn là tính sáng tạo, sự khác biệt. Nguyên Chủ nhiệm Chính trị của Tập đoàn này nói rằng người Viettel từ cấp cao đến cấp thấp luôn đặt mình trong trạng thái không theo lối cũ, lối mòn để hành động.

“Ví dụ như thông thường, người ta sẽ tổ chức kinh doanh trước khi có mạng lưới, hạ tầng, nhưng chúng tôi thì lại phải hạ tầng đi trước một bước. Viettel không vội kinh doanh khi mạng lưới và hệ thống chưa đồng bộ”, ông nói.

Tư duy khác biệt còn nằm ở cách sử dụng con người tại Viettel. Ông Cẩn, sau một thời gian công tác tại phòng kế hoạch, được phân công làm Chủ nhiệm Chính trị của tập đoàn, đảm nhận công tác về cán bộ.

Lịch sử Viettel qua câu chuyện về “dự án khủng khiếp” từ 2 người lính đời đầu - 3

“Đây là tập đoàn có gốc kỹ thuật nhưng để lèo lái nó, nhân sự cần phải được đào tạo thêm về kỹ năng quản lý. Tập đoàn đưa ra tiêu chí ai học giỏi về kỹ thuật thì được đưa đi đào tạo”, ông nói.

Mặt khác, công việc trong Viettel luôn có tính “động”. Nghĩa là hôm nay một người có thể là giám đốc một chi nhánh nhưng vài tuần sau, có thể được thuyên chuyển sang vị trí khác. Người có quân hàm thấp cũng có thể quản lý người có quân hàm cao hơn.

“Chúng tôi căn cứ vào nhiệm vụ. Do vậy, tại Viettel không có quyết định bổ nhiệm mà thường là thông báo giao nhiệm vụ. Đó là thử thách, rồi từ đó mới tính toán đến việc bổ nhiệm”, ông Cẩn cho biết.

Với những sự khác biệt, độc đáo đó, ông Cẩn tỏ ra rất tin tưởng vào Viettel trong tương lai, khi làn sóng công nghệ phát triển nhanh chóng.

“Viettel đã sản xuất ra được thiết bị 4G, nghiên cứu thiết bị 5G, theo đúng xu hướng của thế giới. Năm 2020, 2021, Viettel sẽ đưa vào kinh doanh”, ông Cẩn tự hào nói. Ngoài ra, ông cũng không giấu sự tâm đắc khi chia sẻ thêm về những nghiên cứu khác của Viettel, như dự án A1, hay việc Tập đoàn tham gia phát triển Chính phủ điện tử, số hoá nền kinh tế...

Ông Đỗ Ngọc Cường cũng chung tâm trạng. “Những người về hưu như bọn tôi vẫn thường xuyên theo dõi tin tức của tập đoàn và tình hình thế giới”, ông chia sẻ và cho biết dịp giao lưu cuối năm ngoái, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Viettel thông báo: Tập đoàn đang tập trung rất cao cho những dự án nghiên cứu sản xuất, chuyển dịch số để đi cùng với làn sóng phát triển chung của thế giới.

“Viettel không chỉ làm viễn thông mà đã nâng lên một tầm cao mới, tạo ra những lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới. Tôi tin Viettel sẽ phát triển những bước mạnh mẽ mới như nó đã từng. Khó khăn tất nhiên là nhiều rồi, nhưng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ thành công thôi”, ông Cường khẳng định.

Anh Nguyễn