Lenovo: Chuyển đổi theo hướng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng
(Dân trí) - "Lenovo đã quay trở lại vị trí số 1 về thị phần máy tính thế giới, đồng thời mảng dịch vụ đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, hứa hẹn sự bứt phá trong tương lai", Ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Lenovo Việt Nam chia sẻ.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ về tình hình kinh doanh của Lenovo tại Việt Nam trong năm nay?
Ông Nguyễn Văn Giáp: Trên toàn cầu, Lenovo đã có những kết quả kinh doanh ấn tượng trong Quý 2 - FY20/21 vừa qua (từ tháng 7 - tháng 9/2020 - năm tài khóa của Lenovo) với mức doanh thu kỷ lục mới là 14,5 tỷ USD (tăng 7% cùng kỳ năm ngoái) và quay trở lại vị trí số 1 về thị phần máy tính dựa theo thống kê của International Data Corporation (IDC). Đồng thời, doanh thu mảng phần mềm và dịch vụ tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng doanh thu của tập đoàn. Trong khi đó, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (AP), mảng kinh doanh thiết bị thông minh (PCSD) cũng đạt kỷ lục doanh thu và lợi nhuận của một quý cao nhất từ trước tới nay và tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thị phần máy tính.
Tại Việt Nam, Quý 2 (từ tháng 7-9/2020) dù phải đối mặt với khá nhiều thách thức từ dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng đến thách thức về nguồn cung ứng cho thị trường, Lenovo vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ấn tượng, hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy mạnh trong cả mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng và khối doanh nghiệp. Đặc biệt, mảng dịch vụ của chúng tôi tăng trưởng đến 3 con số tính đến thời điểm hiện tại.
Ông có nói về mức tăng trưởng ấn tượng của mảng dịch vụ của Lenovo trên toàn cầu và cả tại Việt Nam. Vậy ông có thể nói rõ việc chuyển đổi hướng dịch vụ ở đây là gì và tại sao Lenovo lại chú trọng vào chuyển đổi hướng dịch vụ tại thời điểm này? Nó mang lại các lợi ích gì cho khách hàng của Lenovo?
Thế giới đang trong thời kỳ chuyển đổi nhanh chóng và các doanh nghiệp ngày nay không còn tìm kiếm các giải pháp phần cứng CNTT nữa, thay vào đó, họ chuyển sang các môi trường CNTT hiện đại với các tài nguyên được đưa lên đám mây, thúc đẩy mô hình "làm việc mọi lúc, mọi nơi". Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xác định công cụ phù hợp với họ để triển khai hiệu quả và họ đang tìm kiếm các nhà tư vấn đáng tin cậy để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này với các giải pháp toàn diện và có thể linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Trên thực tế, Lenovo đã tiến hành chuyển đổi thông minh theo hướng dịch vụ trong vài năm qua, đạt được những kết quả tích cực và hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai. Ngày nay, Lenovo không chỉ được coi là nhà cung cấp máy tính và thiết bị phần cứng, mà còn là nhà cung cấp giải pháp tích hợp giúp khách hàng giải quyết các nhu cầu chuyển đổi số quan trọng của họ.
Lenovo hiện đang cung cấp các giải pháp dịch vụ của mình qua 3 lớp: Đầu tiên là các dịch vụ và phần mềm đính kèm với thiết bị phần cứng, ví dụ như dịch vụ bảo hành Premium Care từ 1 - 2 năm đối với các sản phẩm tiêu dùng và 1 - 3 năm Premier Support đối với các sản phẩm doanh nghiệp, đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết để đảm bảo thiết bị đó vận hành ổn định trong suốt vòng đời của chúng.
Lớp thứ 2 là các dịch vụ có quản lý (Managed Services) và DaaS (Device-as-a-Services cung cấp thiết bị dạng dịch vụ), cho phép khách hàng chuyển phần trách nhiệm đảm bảo quản lý hạ tầng CNTT của họ sang Lenovo, khiến cho các dịch vụ và phần cứng của Lenovo sẽ được sử dụng ở dạng mô hình cho thuê.
Lớp thứ 3 chính là các giải pháp tích hợp (complex solution), theo đó Lenovo hoạt động như một nhà tích hợp hệ thống, tích hợp cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ để cung cấp cho khách hàng. Điều này giúp giảm gánh nặng về cấu hình, triển khai, quản lý cho các doanh nghiệp, nhờ đó họ có thể tập trung cho các vấn đề kinh doanh quan trọng của họ.
Trong vài năm gần đây, "chuyển đổi số" đang trở thành xu thế "hot" tại Việt Nam khi có sự tham gia tích cực từ Chính phủ tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Lenovo đánh giá như thế nào về vai trò chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp?
Tôi cho rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu bởi nó đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng thể hiện rõ quyết tâm trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, ưu tiên thử nghiệm công nghệ và mô hình mới.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi số để tiết giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng của mình dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Tại Lenovo, chúng tôi tiếp tục chú trọng vào cung cấp những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo tốt nhất để giúp các doanh nghiệp Việt Nam được trang bị tốt hơn cho quá trình chuyển đổi số của họ.
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn của Lenovo thì những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi chuyển đổi số là gì, thưa ông? Lenovo đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong việc chuyển đổi số như thế nào trong thời gian qua?
Trong những thảo luận của chúng tôi với khách hàng khi tìm hiểu nhu cầu và cách thức giải quyết các yêu cầu của họ, tôi thấy có hai vấn đề chính mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong chuyển đổi số.
Đầu tiên, đó là tầm nhìn của người lãnh đạo trong xây dựng văn hóa chuyển đổi trong doanh nghiệp thông qua số hóa. Bởi, lãnh đạo mà không có quyết tâm để đưa định hướng xuống cho các lớp nhân viên kế tiếp nhằm thúc đẩy triển khai thì mọi thứ sẽ bị đình trệ.
Thứ hai, sau khi có định hướng và quyết tâm chuyển đổi trên toàn doanh nghiệp thì việc tiếp theo là chọn các nhà tư vấn cho việc sử dụng nền tảng, giải pháp công nghệ nào phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mình.
Trong thời gian qua, Lenovo cùng với các nhà tích hợp hệ thống (SI) cũng đã tham gia tư vấn cho các khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng, đưa ra mô hình cho thuê thiết bị (DaaS) để đáp ứng nhu cầu đột biến về trang thiết bị cho nhân viên làm việc từ xa khi đại dịch xảy ra.
Trong mảng giáo dục, Lenovo có tham gia vào các chương trình tư vấn với Bộ Giáo dục và Đào tạo để cung cấp các thiết bị cho nhu cầu học tập, thi cử từ xa. Y tế cũng là lĩnh vực mà chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh, đặc biệt trong đại dịch bởi nhu cầu khám, chữa bệnh từ xa tăng mạnh và Lenovo cũng có những giải pháp đáp ứng nhu cầu này.
Ông có thể chia sẻ đôi chút về mục tiêu và chiến lược kinh doanh sắp tới của Lenovo tại Việt Nam?
Với mảng khách hàng tiêu dùng, chúng tôi tiếp tục đưa về những sản phẩm có kiểu dáng sáng tạo và tính năng tân tiến nhất nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời tăng cường thêm chất lượng dịch vụ.
Ví dụ, dịch vụ bảo hành dành cho các sản phẩm tiêu dùng sẽ được nâng lên thành 2 năm bắt đầu trong cuối năm nay. Đối với mảng doanh nghiệp, dự án, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ có quản lý, DaaS và giải pháp tích hợp nhằm mang tới dịch vụ, giải pháp toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp của mình, đặc biệt trong mảng tài chính, giáo dục và y tế.
Về đối tác, chúng tôi tiếp tục mở rộng các kênh đối tác mới, nhằm tiếp cận rộng lớn hơn tới các khách hàng đa dạng của mình.
Với tầm nhìn "Smarter technology for all" (mang công nghệ thông minh hơn tới tất cả mọi người) cùng định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, Lenovo tiếp tục chú trọng vào sáng tạo các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái vững mạnh nhằm mang tới những trải nghiệm tuyệt vời và mới mẻ cho khách hàng, hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!