1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lệ thuộc nguyên liệu thuốc Trung Quốc, Ấn Độ: Thế khó của các “ông lớn” dược Việt

(Dân trí) - 100% doanh nghiệp dược của Việt Nam tham gia một cuộc khảo sát thực hiện gần đây cho biết, vấn đề khó khăn lớn nhất đang gặp phải hiện nay là “bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài”, trong đó 80% là nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Lệ thuộc nguyên liệu thuốc Trung Quốc, Ấn Độ: Thế khó của các “ông lớn” dược Việt - Ảnh 1.

​Ngành dược Việt Nam được dự báo sẽ phát triển ở mức 2 con số trong 5 năm tới

Nghịch lý về nguồn nguyên liệu

Việt Nam là nước có nguồn dược liệu rất phong phú. Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, trong tổng số trên 5.000 loài cây và nấm làm thuốc đã biết, có nhiều loài có tiềm năng khai thác tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc phục vụ nhu cầu thị trường.

Khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Tiềm năng của mảng sản phẩm này là rất lớn, tuy nhiên, sản xuất đông dược chỉ đang chiếm thị phần rất nhỏ, xấp xỉ 1 - 1,5%.

Đây cũng là điểm hạn chế của ngành sản xuất dược trong nước hiện nay khi chưa có sự đầu tư thích hợp cho dòng sản phẩm đông dược dễ dùng, tiện lợi, có tính an toàn cao, thoát khỏi việc phụ thuộc nguyên liệu nhập để tối ưu giá thành sản xuất.

Trong khi đó, 100% doanh nghiệp dược của Việt Nam tham gia một cuộc khảo sát thực hiện gần đây của Vietnam Report đều cho biết, vấn đề khó khăn lớn nhất đang gặp phải hiện nay lại là “bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài”.

Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 375 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm, 78% trong số đó là từ Trung Quốc và Ấn Độ - là hai nguồn cung cấp thuốc chủ yếu cho các nước đang phát triển có tham gia sản xuất thuốc generic (thuốc tương tự biệt dược gốc).

Lệ thuộc nguyên liệu thuốc Trung Quốc, Ấn Độ: Thế khó của các “ông lớn” dược Việt - Ảnh 2.

Lệ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài đang là khó khăn lớn nhất với ngành dược của Việt Nam, vốn nhiều tiềm năng phát triển

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi, dân số đang bước vào giai đoạn “già hóa”. World Bank cảnh báo, Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050.

Điều này đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang tăng lên. Theo nhận định của Nielsen, sức khỏe luôn là một trong hai mối quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018.

Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện, trong khi môi trường sống ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao làm gia tăng ngày càng nhiều loại bệnh tật... là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành dược.

Khả năng kiếm lời của các doanh nghiệp dược trong 2019 vẫn rất lớn

Dù vậy, mức chi tiêu thuốc bình quân theo đầu người ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức 49,9 USD vào năm 2016, bằng 1/3 mức trung bình của thế giới (147,4 USD), và mới chỉ mới bằng khoảng một nửa mức trung bình của các nước có ngành dược mới nổi, theo một kết luận của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International.

Theo đó, ngành dược của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tiếp tục hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt 7,7 tỷ USD vào 2021.

Cụ thể, khảo sát của Vietnam Report cho hay, gần 78% chuyên gia và doanh nghiệp dược dự báo, tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2019 sẽ đạt trên 10% (năm 2017: tốc độ tăng trưởng ngành được 75% doanh nghiệp dự báo đạt trên 10% trong năm 2018), cho thấy sự tự tin vào khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận... của các doanh nghiệp dược hiện nay.

Các doanh nghiệp dược về cơ bản đều đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong việc quản lý giá thuốc hiện nay (sau khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP được ban hành). Tuy nhiên, việc tỷ giá ngoại tệ thay đổi dẫn đến giá nguyên liệu nhập khẩu biến động làm tăng giá thuốc thành phẩm, trong khi giá bán lại bị khống chế mức trần khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng không ít.

Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất, Chính phủ và cụ thể hơn là Cục quản lý dược cần có lộ trình hướng dẫn doanh nghiệp trong việc định giá và mức độ tăng giá với tỷ lệ hợp lý.

Việc đấu thầu tại các bệnh viện cũng cần được minh bạch hơn. Khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, kênh ETC là kênh phân phối thuốc chính của nhiều doanh nghiệp hiện nay, do đó các doanh nghiệp rất mong muốn quy trình đấu thầu cần công khai, minh bạch để cạnh tranh công bằng, giúp người dân được sử dụng thuốc hiệu quả hơn.

Ngành dược Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Tuy nhiên là ngành có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, sự phát triển của ngành cần đi đôi với vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời uy tín doanh nghiệp cũng cần được coi trọng đúng mức để có thể giúp người dân có những thông tin hữu ích, hiệu quả và cần thiết trong quá trình khám chữa bệnh.

Mai Chi

Lệ thuộc nguyên liệu thuốc Trung Quốc, Ấn Độ: Thế khó của các “ông lớn” dược Việt - Ảnh 3.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm