Những thương vụ ngàn tỷ từ nước ngoài đổ vào ngành dược Việt Nam:
Bài 2: “Đại gia” ngành dược chi mạnh cho mua bán, sáp nhập
(Dân trí) - Theo báo cáo của BMI Research, quy mô thị trường dược Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 4,2 tỷ USD trong năm 2015 lên 7,2 tỷ USD vào năm 2020 và sau đó duy trì tốc độ tăng trưởng thường niên 2 con số cho đến năm 2025. Con số này cho thấy cơ hội lớn mạnh của DN Việt Nam là rất khả thi. Và, mua bán, sát nhập (M&A) là cách nhanh nhất để đạt được điều đó.
Chưa bao giờ, doanh nghiệp (DN) dược Việt Nam lại có sự tăng trưởng ấn tượng như hiện nay. Theo ước lượng của Viracsearch (VIRAC), năm 2015, giá trị ngành dược ước đạt 4.2 tỷ USD. Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần của 16 DN dược niêm yết trên sàn chứng khoán đạt gần 6.387 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp nội mạnh tay đầu tư
Sự lớn mạnh này, ngoài những thuận lợi về mặt thị trường, năng lực của DN, còn là kết quả của nhiều thương vụ đầu tư, sát nhập trong vài năm qua. Mạnh tay thâu tóm nhất có vẻ là Traphaco.
Sau khi mua lại 42,91% cổ phần Công ty CP Dược và Vật tư Y Tế Quảng Trị vào năm 2012, Traphaco tiếp tục mua lại 49% vốn điều lệ Công ty CP Dược và Vật tư Y tế Thái Nguyên, nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP Dược và Vật tư Y tế Đăk Lăk lên 58%. Tổng cộng Traphaco đã góp vốn tại 6 công ty được phẩm trong nước, bao gồm 4 công ty và 2 công ty liên kết là Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thái Nguyên, Công ty CP Dược - Vật tư y tế Quảng Trị.
Doanh thu của các DN dược trong nước hấp dẫn đến mức thu hút cả đơn vị đầu tư ngoài ngành. Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư FIT, hiện sở hữu hơn 60% cổ phần của Dược Cửu Long, sau một thương vụ đầu tư khá lớn.
Đáng chú ý, không chỉ có làn sóng M&A giữa các DN trong nước, DN Dược Việt Nam còn mạnh tay đầu tư vào các tập đoàn nước ngoài. Dược Hậu Giang đã từng có ý định đầu tư hơn 91 tỷ đồng mua cổ phần của ASV Pharma Việt Nam, đơn vị nắm giữ 70% của ASV Pharma Myanmar, với mục đích xây nhà máy mới tại Myanmar. Tuy dự án này phải tạm dừng nhưng DHG cũng đã mở rộng mạng lưới phân phối, đẩy mạnh xuất khẩu sang Myanmar cũng như một số thị trường khác như là Moldova, Ukraine, Cambodia, Lào, Singapore…
Mới đây, ngày 7/9, Tổng công ty Dược VN (Vinapharm) công bố hợp tác chiến lược với tập đoàn Sanofi. Theo thỏa thuận, Vinapharm sẽ đầu tư vốn vào Công ty Cổ phần Sanofi Việt Nam. Việc một thương hiệu trong nước tham gia đầu tư vào tập đoàn quốc tế cho thấy, vị thế của ngành dược Việt Nam đang có những bước tiến dài.
Đưa sản phẩm ra quốc tế
Thực chất, đây không phải là lần đầu tiên, Vinapharm và Sanofi đứng chung trên một chiếc thuyền. Hai đơn vị này đã là đối tác của nhau từ năm 1993. Theo thỏa thuận, Sanofi và Vinapharm sẽ làm việc cùng nhau từ sản xuất đến quảng bá, tiếp thị tại các địa phương ở Việt Nam.
Điểm đáng chú ý của thỏa thuận này là không chỉ hướng đến thị trường trong nước, Sanofi và Vinapharm sẽ cùng cho ra đời những dược phẩm “madein Vietnam” từ công nghệ của Pháp mà còn phục vụ mục đích để xuất khẩu. Ông Cyril Grandchamp, Tổng Giám đốc Sanofi Đông Dương, phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ, hai thương hiệu này có thể sẽ cùng gây dựng một thương hiệu chung, đưa sản phẩm ra ngoài, phục vụ xuất khẩu chính yếu là ở khu vực Đông Nam Á nhưng đồng thời cũng sẽ xuất sang Nhật Bản cũng như toàn Châu Á.
Tương tự, ngành dược phẩm của Abbott có trụ sở chính tại Basel, Thụy Sĩ. Trong suốt 2 năm qua, Abbott củng cố mô hình kinh doanh dược phẩm branded generics thông qua việc sáp nhập công ty Veropharm (Nga) và công ty dược phẩm CFR (châu Mỹ La tinh). Từ thương vụ với Glomed, Abbott sẽ đảm bảo sự phát triển lâu dài tại Việt Nam bởi hiện Glomed đã có hơn 100 sản phẩm, hai nhà máy sản xuất tại Bình Dương và năm chi nhánh trên cả nước. Tuy nhiên, tiết lộ từ phía Abbott cho thấy, mảng Dược phẩm của thương hiệu này đang tập trung vào các thị trường mới nổi. Và, việc mua lại Glomed của Việt Nam là một bước tiến then chốt trong chiến lược tập trung vào các hoạt động kinh doanh dược phẩm của Abbott tại các nền kinh tế mới nổi, như Việt Nam.
Như vậy, thông qua hệ thống phân phối rộng khắp của Abbott, việc dược phẩm Việt Nam xuất ngoại sẽ là chuyện sớm muộn.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 3/4 về mức độ phát triển của ngành công nghiệp dược. Nghĩa là, một quốc gia có nền công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic (thuốc phổ thông, những dược chất vốn đã được chứng minh về độ an toàn và hiệu lực điều trị) và xuất khẩu được một số sản phẩm. Những cái bắt tay với các “ông lớn” của ngành rõ ràng đã mở ra những triển vọng mới để ngành dược thực sự phát triển và vươn ra thế giới.
Phương Quyên