Lễ độc thân 11/11: Nhiều người "cháy túi", dân buôn kiếm đậm
(Dân trí) - Nhiều "thượng đế" rơi vào cảnh "cháy túi" khi các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm diễn ra liên tục trong dịp lễ độc thân 11/11 vừa qua.
Thức trắng đêm "săn" hàng giảm giá
Để săn hàng trong ngày độc thân 11/11 hiệu quả, chị Bảo Quyên - nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) - quyết định xin nghỉ phép 1 ngày. Chị cùng với 2 người bạn nữa thành lập một nhóm săn hàng khuyến mãi, giảm giá. Mục tiêu cho ngày 11/11 của nhóm chị là mua được hết các sản phẩm với giá 1.000 đồng, 11.000 đồng và tập trung vào nhóm hàng gia dụng giảm giá sâu.
"Săn hàng chính xác là một cuộc chiến nên chậm một giây là hàng đã không còn. Để hiệu quả, mỗi người chúng tôi đều dùng 2 điện thoại, 1 laptop và 2 - 3 thẻ ngân hàng cho thanh toán online. Khung giờ giảm giá mạnh nhất trong ngày sẽ rơi vào khoảng 0h - 2h, 8h - 10h, 20h - 22h" - chị cho hay.
Theo chị Quyên, để mua được hàng giá hời thì phải có chiến lược đúng đắn, trước lễ 1 ngày phải lên được danh sách những món đồ cần mua, sau đó lần lượt bỏ vào giỏ hàng. Tiếp theo, chị sẽ lấy các mã vận chuyển, mã giảm giá từ chương trình và xem thể lệ thanh toán. Thông thường, thanh toán online, từ ví điện tử sẽ nhận được nhiều ưu đãi nhất.
"Như một trang thương mại điện tử tôi mua thì có 15 mã vận chuyển miễn phí, chưa kể là giảm giá trực tiếp trên từng đơn. Nhưng đa phần, vào ngày lễ độc thân, các đơn hàng có giá trị lớn trên 500.000 đồng đều sẽ được hỗ trợ" - chị kể.
Quán hàng "ăn theo" ngày lễ độc thân
Trước 1 tuần lễ độc thân diễn ra, anh Mạnh Đạt - chủ một cửa hàng phụ kiện điện thoại ở Cầu Giấy (Hà Nội) - liên tục lên các sàn thương mại điện tử chạy chương trình giảm giá, khuyến mãi.
Anh Đạt cho biết, ngày lễ độc thân 11/11 là cơ hội để nhiều quán hàng kích cầu, tiêu thụ sản phẩm. Bởi đây là dịp người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trên mạng đông nhất năm. Thế nên, quán anh cũng phải tranh thủ thời cơ vàng để giải quyết hàng tồn, bán hàng mới hiệu quả nhất.
"Như năm ngoái, lượng tiêu thụ hàng của quán tôi vào ngày 11/11 cao gấp 3 - 4 lần ngày thường, toàn bộ hàng tồn kho đều được thanh lý hết. Để hiệu quả, trước 1 tuần lễ độc thân, tôi đã cho chạy các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng" - anh kể.
Theo anh Đạt, lượng khách đến trong ngày siêu mua sắm hay còn gọi là ngày lễ độc thân 11/11 chủ yếu là giới trẻ, dân văn phòng. Do đó, xu hướng tiêu dùng cũng được phân bố đa dạng thành 2 luồng.
Luồng thứ nhất là chuyên săn đồ dùng giá rẻ, càng rẻ càng tốt, không quan tâm nhiều đến chất lượng, với các mức giá tiền dao động từ 10.000 - 99.000 đồng. Luồng thứ hai là người tiêu dùng cao cấp, muốn mua hàng tốt, với tiêu chí sản phẩm sẽ được giảm 5 - 15% so với ngày thường.
Anh Đạt cho rằng, ngày lễ độc thân cuối cùng cũng chỉ là cái cớ khiến người tiêu dùng rút ví không ngần ngại. Bởi thực chất, cả kể bán hàng giảm giá hay khuyến mãi thì cửa hàng đều có lãi, chẳng qua là lãi ít hay lãi nhiều. Hơn nữa, với nhiều quán hàng thì đây là cơ hội làm hình ảnh, tiếp cận đối tượng khách hàng rộng hơn.
"Đơn cử như một chiếc dây sạc điện thoại với giá 99.000 đồng, ngày thường, tôi bán được 10 chiếc, trừ hết chi phí thì lãi 190.000 đồng. Ngày 11/11, tôi bán với giá 89.000 đồng mà bán được 30 chiếc thì lãi 270.000 đồng, nói chung, kiểu gì cũng có lãi" - anh cho hay.
Dân buôn hàng Trung Quốc kiếm đậm
Ngày 11/11 ở Trung Quốc được coi là đại tiệc mua sắm khi các mặt hàng từ cao cấp đến bình dân đồng loạt giảm giá với ưu đãi cực khủng. Bởi vậy, lễ độc thân vừa qua được coi là dịp đặc biệt với chị Phương Yến (ở Đống Đa, Hà Nội) - một dân buôn hàng Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho ngày lễ, chị Yến phải huy động toàn bộ nhân viên tăng ca để tiếp nhận đơn, xử lý hàng order cho khách. Theo tiết lộ, chỉ tính riêng ngày lễ độc thân năm trước, chị nhập về hơn 200 triệu đồng tiền hàng.
"Ngày lễ độc thân được coi là dịp hái ra tiền của dân buôn hàng Trung Quốc khi các chương trình khuyến mãi, giảm giá diễn ra liên tục. Nhân cơ hội này, chúng tôi có thể ôm, tích trữ hàng để bán cho cả mùa. Hai là nhận order thuê, bán lại cho các tiểu thương nhỏ lẻ để ăn chênh lệch hoa hồng" - chị tiết lộ.
Chị Yến thông tin, mỗi trang thương mại điện tử sẽ quy định cách thức mua hàng, thanh toán khác nhau.
"Đa phần, các sàn sẽ đều thanh toán bằng thẻ nội địa. Thế nên, dân buôn phải thông qua một bên thứ 3 có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc. Thông thường, phía cho thuê tài khoản sẽ cung cấp cả gói dịch vụ cho mượn địa điểm giao nhận hàng" - chị Yến nói.
Theo chị Yến, hàng sau khi đặt thành công sẽ được chuyển về địa chỉ giao nhận ở Trung Quốc. Sau đó, bên trung gian sẽ phân loại hàng, đóng thành từng kiện gửi theo đường bộ lên các container về Việt Nam. Tùy vào tốc độ vận chuyển, hàng sẽ cập bến tại kho bãi sau 15 ngày, nếu không bị tắc biên hay gặp sự cố.