1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lấy ý kiến góp ý xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Văn Hưng

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố góp ý, xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một Nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83, Nghị định 95) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong quý II.

Bộ Công Thương đề nghị các Sở Công Thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt còn tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu và góp ý, đề xuất nội dung mới cho nghị định.

Các ý kiến gửi về Bộ Công Thương trước ngày 12/1.

Lấy ý kiến góp ý xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu  - 1

Bộ Công Thương được yêu cầu trình nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trong quý II (Ảnh: Mạnh Quân).

Tại Nghị định 80 được ban hành tháng 11/2023, bên cạnh việc rút ngắn thời gian điều hành giá, nghị định mới quy định đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa 3 nguồn, nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.

Nghị định 80 bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng; bổ sung quy định về điều kiện kho chứa khi cấp giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.

Nghị định mới sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.

Nghị định 80 cũng bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu. Việc thay đổi theo Bộ Công Thương nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm. Điều đó dẫn đến vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, xử lý số tiền thương nhân đầu mối đã trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) sai chủng loại xăng trên 1.013 tỷ đồng, chi sử dụng sai chủng loại xăng khoảng 2.140 tỷ đồng do liên Bộ Công Thương - Tài chính ban hành văn bản quy định không rõ về chủng loại xăng được trích Quỹ BOG.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn lại và tại các kỳ điều hành khác có vi phạm tương tự, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương được yêu cầu kiểm tra, rà soát, truy thu khoản tiền được hưởng lợi từ việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu với thương nhân phân phối xăng dầu trái quy định, số tiền cần được xem xét, xử lý là 950 tỷ đồng.

Thanh tra còn kiến nghị Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận trên cơ sở kết luận thanh tra và kết quả kiểm tra để có biện pháp xử lý vi phạm.