Lật tẩy 6 chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng

An Chi

(Dân trí) - Dưới đây là 6 chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng thường được kẻ gian áp dụng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian vừa qua, thông qua hệ thống tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng, cơ quan ghi nhận sự gia tăng các phản ánh của người tiêu dùng về việc bị lừa đảo khi thực hiện một số giao dịch tài chính, ngân hàng.

Do đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ ra 6 chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng để người dân đề phòng, nâng cao cảnh giác.

Thứ nhất là gửi thư điện tử (email). Các đối tượng lừa đảo mạo danh thường mạo danh cán bộ ngân hàng, cán bộ công ty đối tác gửi email đề nghị người tiêu dùng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu…) để đăng nhập lại tài khoản đã bị khóa, để nhận một khoản tiền thưởng lớn hoặc đề nghị nộp phí để nhận thưởng. Từ đó, đối tượng sẽ đánh cắp thông tin cá nhân/tài khoản và thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người tiêu dùng.

Lật tẩy 6 chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng - 1

Một người phụ nữ ở Hà Nội bị mất oan 108 triệu đồng sau khi nghe một cuộc điện thoại lạ của người mạo danh là nhân viên ngân hàng BIDV.

Chiêu thức lừa đảo thứ hai là gửi tin nhắn điện thoại (SMS). Thông thường, các đối tượng lừa đảo giả mạo tên của ngân hàng gửi tin nhắn vào thời điểm ngân hàng không hoạt động (đêm, rạng sáng, ngày cuối tuần, dịp lễ tết) trong đó có chứa link giả với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống, thông báo trúng thưởng. Đối tượng này yêu cầu người tiêu dùng truy cập vào các website/đường link giả gần giống như website ngân hàng, yêu cầu nhập tài khoản, mật khẩu OTP giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking trên website giả mạo… Sau khi có các thông tin này, đối tượng thực hiện giao dịch chiếm đoạt toàn bộ tiền từ tài khoản.

Thủ đoạn lừa đảo thứ ba là qua cuộc gọi điện thoại. Kẻ gian thường sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số điện thoại, số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ như công an, viện Kiểm sát, tòa án, hoặc cán bộ thu tiền điện, tiền nước... gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, đe dọa người tiêu dùng về việc có dính líu đến các vi phạm hình sự. Sau đó, đối tượng yêu cầu người tiêu dùng phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp.

Các đối tượng lừa đảo giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP để xử lý sự cố liên quan đến giao dịch ngân hàng của người tiêu dùng. Sau khi có thông tin này, đối tượng thực hiện chuyển toàn bộ tiền từ tài khoản của người tiêu dùng sang tài khoản khác để chiếm đoạt.

Trong một số trường hợp, đối tượng lừa đảo mạo danh nhà mạng liên lạc với người tiêu dùng yêu cầu chuyển đổi sim 3G sang 4G nếu không sẽ bị khóa 2 chiều. Sau đó đối tượng hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện các bước, để lừa chuyển số điện thoại của người tiêu dùng sang sim của đối tượng, từ đó đối tượng lấy được mật khẩu Ebank, chiếm đoạt tài khoản giao dịch và chuyển tiền đi.

Chiêu thức thứ 4 là qua trang mạng (website) giả mạo. Kẻ gian sẽ yêu cầu người tiêu dùng truy cập vào các website giả gần giống như website ngân hàng, yêu cầu nhập tài khoản, mật khẩu OTP giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking trên địa chỉ giả mạo.

Sau khi có các thông tin này, đối tượng thực hiện giao dịch chuyển toàn bộ tiền từ tài khoản của người tiêu dùng. Đối tượng giả mạo người thân, bạn bè, đối tác cung cấp đường link giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union nhờ người tiêu dùng nhận hộ một món tiền hoặc nhận tiền cung cấp hàng hóa dịch vụ (đối tượng tìm hiểu trước thông tin người tiêu dùng đang có nhu cầu bán hàng/tài sản). Khi người tiêu dùng truy cập và nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu Ebank và OTP kích hoạt dịch vụ (Mobile Banking hoặc SmartOTP) vào đường link giả mạo, đối tượng sẽ nắm được toàn bộ thông tin của người tiêu dùng và tự cài đặt Smart OTP để giao dịch chuyển tiền. 

Thứ năm là các lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo… của người tiêu dùng. Đối tượng này sau đó đọc những tin nhắn cũ và bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô của người tiêu dùng để thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu người thân, bạn bè của người tiêu dùng thực hiện các giao dịch tài chính.

Chiêu thức thứ sáu là qua giao dịch thương mại điện tử. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ ra kẻ gian sẽ mở các trang cá nhân bán hàng online, đặt hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu người tiêu dùng chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng. Các đối tượng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Do đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo mọi người không nên cung cấp thông tin về các dịch vụ ngân hàng số gồm tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng, cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được rõ mối quan hệ; Không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt, người dân không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng (truy cập vào link lạ, chuyển tiền qua ngân hàng, nạp thẻ, rút tiền, …); Không truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập internet banking/mobile banking, mã xác thực OTP, số tài khoản… của người tiêu dùng vào trang web/liên kết khác với trang web hay đường dẫn internet banking của ngân hàng.

Hơn nữa, khách hàng không nên cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng đặc biệt là theo yêu cầu của đối tượng lạ; không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng.