Lập tổ công tác đặc biệt thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
(Dân trí) - Tổ công tác đặc biệt đứng đầu là Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, nhất là từ các công ty đa quốc gia.
Đó là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.
Theo Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch Covid-19; không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về an sinh xã hội…
Chính phủ yêu cầu tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 và là tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, né tránh nhiệm vụ, trách nhiệm, vi phạm quy định.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án đầu tư công.
Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cập nhật kịch bản điều hành quý III, cả năm 2020 và chuẩn bị phương án, giải pháp điều hành năm 2021. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
“Từng bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng để phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, nhất là từ các công ty đa quốc gia, có công nghệ tiên tiến” - Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tập trung vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, triển khai quyết liệt nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, hoàn thành trong năm 2020. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; phối hợp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, chủ động, linh hoạt trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế.
Nghị quyết Chính phủ nhấn mạnh tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý; mở rộng tín dụng phù hợp, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.