Cách chức “sếp” doanh nghiệp nhà nước không chịu chuyển quyền cho SCIC

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, nếu người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phối hợp chuyển giao thì sẽ bị thay thế. Đồng thời, nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao kinh doanh thua lỗ hoặc không còn vốn nhà nước thì phải làm rõ, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có công văn “thúc” các Bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo đó, công văn nêu rõ, trường hợp người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phối hợp, làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển giao thì sẽ bị thay thế.


SCIC đang quản lý khoảng 230 doanh nghiệp

SCIC đang quản lý khoảng 230 doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc không còn vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao, cơ quan đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp này phải xử lý dứt điểm các tồn tại theo quy định của pháp luật mới thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Đáng chú ý là trong trường hợp này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, phải xác định rõ, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân không chấp hành quy định của pháp luật để gây ra tổn thất cho Nhà nước (nếu có).

Các Bộ Công Thương, Xây dựng được giao chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do mình quản lý khẩn trương xây dựng lộ trình thoái vốn giai đoạn 2016-2020 gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/1/2016.

Theo thông tin từ ông Lại Văn Đạo, Tổng Giám đốc SCIC, tính đến nay, sau 10 năm hoạt động, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn hóa nhà nước hơn 8.700 tỷ đồng.

SCIC đã thoái vốn nhà nước thu lãi hơn 5.360 tỷ đồng. Danh mục vốn tiếp nhận và đầu tư SCIC đang quản lý còn khoảng 230 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách 17.000 tỷ đồng và giá trị thị trường gần 78.000 tỷ đồng. Hiện vốn chủ sở hữu của SCIC đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.

Mục tiêu phát triển đến năm 2020 của SCIC là trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, tập đoàn tài chính với quy mô tài sản 22,5 tỷ USD; đến năm 2030 trở thành tập đoàn tài chính quy mô khu vực và là công cụ để Nhà nước đầu tư, nắm giữ chi phối tại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng và có tổng tài sản 46 tỷ USD.

Bích Diệp

 

Cách chức “sếp” doanh nghiệp nhà nước không chịu chuyển quyền cho SCIC - 2