Lập công ty một tháng tuổi nhập lậu 1.500 hộp "thần dược" chữa Covid-19

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết doanh nghiệp nhập lậu 1.500 hộp thuốc điều trị Covid-19 mới lập từ tháng 7 và phạm tội khi chưa đầy một tháng tuổi.

Như vậy, tính từ thời điểm thành lập doanh nghiệp cho đến lúc có các dấu hiệu vi phạm về nhập khẩu hàng hóa, công ty này mới chỉ có tuổi đời một tháng tuổi.

Chiều nay (30/8), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) sau nhiều ngày xác minh, đã làm rõ vụ nhập lậu gần 1.500 hộp thuốc kháng virus Favipiravir Tablets do Ấn Độ sản xuất nhập về Việt Nam.

Lập công ty một tháng tuổi nhập lậu 1.500 hộp thần dược chữa Covid-19 - 1

Số thuốc kháng virus Favipiravir Tablets nhập lậu về Việt Nam với số lượng lớn.

Số hàng này về sân bay Nội Bài ngày 13/8 và ngày 15/8, được chuyển về kho hàng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trên tờ khai, doanh nghiệp nhập khẩu đứng tên vận đơn khai nhập hàng mẫu và thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng). Để né kiểm tra của cơ quan hải quan, một tờ khai của doanh nghiệp nói trên được mở theo loại hình phi mậu dịch, một tờ khai mở theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng.

Tuy nhiên, kết quả hàng là thuốc tân dược có tên Favipiravir Tablets do Ấn Độ sản xuất, tại thời điểm kiểm tra công ty này không có giấy tờ nhập khẩu theo quy định.

Lập công ty một tháng tuổi nhập lậu 1.500 hộp thần dược chữa Covid-19 - 2

Cơ quan Hải quan sau khi xác minh cho thấy doanh nghiệp đứng tên khai nhập khẩu chỉ mới thành lập được một tháng.

Danh tính doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty TNHH thương mại và Dược phẩm Nhất Quang (MST: 0601219188), thành lập 7 do Sở KH&ĐT Nam Định cấp.

Công ty này mở 2 tờ khai nhập khẩu lô thuốc nói trên, tờ khai số 1 theo loại hình H11 (nhập hàng mẫu) khai báo là thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng). Tờ số 2, công ty này mở tờ khai loại hình A11 (nhập kinh doanh tiêu dùng) khai báo là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Khi kiểm tra thực tế, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) xác định hàng hóa là thuốc "Favipiravir Tablets hàm lượng 400 mg" xuất xứ Ấn Độ.

Lập công ty một tháng tuổi nhập lậu 1.500 hộp thần dược chữa Covid-19 - 3

Số thuốc này có thành phần dược với loại thuốc của Nhật Bản điều trị lâm sàng cho bệnh Covid-19.

Về chất lượng lô hàng, trao đổi nhanh với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, kết quả sẽ sớm được công bố.

Về giá lô thuốc 1.500 hộp thuốc biệt dược nói trên, hiện hải quan cũng đang trưng cầu giám định của các cơ quan chức năng.

Theo thông tin, một loại thuốc Avigan do Fujifilm (Nhật Bản) sản xuất để điều trị Covid-19 cũng có thành phần Favipiravir. Đây là thuốc uống dạng viên và được thử nghiệm hiệu quả trong điều trị Covid-19 tại Nhật, Trung Quốc.

Lập công ty một tháng tuổi nhập lậu 1.500 hộp thần dược chữa Covid-19 - 4

Hiện, việc nhập khẩu các loại thuốc điều trị Covid-19 phải có giấy phép của Bộ Y tế, nhưng số hộp nói trên không giấy tờ chứng minh và doanh nghiệp có dấu hiệu khai gian dối, né tránh.

Phía doanh nghiệp Nhật Bản hiện cũng chuyển Avigan cho 43 quốc gia để thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Chính vì vậy, phía Hải quan và cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh  chủng loại số thuốc nói trên bởi vì dù có cùng tên dược liệu nhưng loại thuốc của Nhật Bản chỉ có hàm lượng 200mg, trong khi thuốc Favipiravir Tablets sản xuất tại Ấn Độ nhập lậu vào Việt Nam có hàm lượng 400 mg.

Kết quả xác minh về nguồn gốc, thành phần và chủng loại của hơn 1.500 hộp thuốc Favipiravir Tablets rất có ý nghĩa bởi hiện trên thị trường chợ đen, hàng xách tay, thuốc điều trị, kháng bệnh Covid-19 khá nhiễu loạn.

Một số người hiện vẫn tin vào những loại thuốc của nước ngoài được quảng cáo điều trị được Covid-19 và đổ xô đi mua. Giá các loại thuốc này vì thế rất đắt đỏ và nhu cầu nhập lậu về tăng cao, trong khi trên danh mục Bộ Y tế không cấp phép lưu hành, điều trị.