Ninh Bình:
Lao đao vì hàng chục tấn ngao giá “rẻ như bèo”, bán không ai mua
(Dân trí) - Người dân nuôi ngao ở Ninh Bình thời gian gần đây đang lao đao, có người vỡ nợ vì hàng chục tấn ngao thịt đã đủ tuổi xuất bán nhưng không ai mua, giá lại “rẻ như bèo”.
Ngao “rẻ như bèo” bán không ai mua
Vùng biển huyện Kim Sơn được xem như “thủ phủ” nuôi ngao của tỉnh Ninh Bình và cũng là vựa ngao lớn của khu vực miền Bắc. Nhờ vào nghề nuôi ngao, hàng trăm hộ dân địa phương những năm qua thoát nghèo, thậm chí giàu lên vì mỗi năm thu cả tỷ đồng từ bán ngao thịt.
Một nghịch cảnh đáng buồn, những năm trước thời điểm này đang là mùa thu hoạch ngao rộn ràng của người dân, thì năm nay không khí đìu hiu lạ thường tại cánh đồng nuôi ngao ở Kim Sơn. Đi đến đâu, gặp người nuôi ngao nào cũng chỉ nghe thấy những lời than vãn vì dịch Covid-19 mà ngao không bán được, gọi không có ai mua, giá lại quá thấp.
Nhiều hộ gia đình hiện rõ mặt lo âu, bởi giá ngao liên tục rớt thê thảm, thậm chí chạm đáy. Anh Phạm Văn Nghị (47 tuổi) ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn cho biết, hiện gia đình đang có khoảng 60ha ngao đến thời kì thu hoạch. Một tháng nay anh “chật vật” tìm đầu ra cho lứa ngao nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Anh Nghị thở dài: “Ngày nào tôi cũng gọi điện tứ phương tìm người mua ngao, nhưng hiện vẫn chưa bán được một cân nào. Tính sơ sơ thì gia đình tôi có khoảng 1.000 tấn ngao quá lứa, nằm bất động dưới cát biển”.
Cũng theo anh Nghị, gọi người mua ngao mãi nhưng không thấy đến, sốt ruột quá anh tận tay đem ngao mẫu đến cho người ta xem. Ngao đẹp, to lớn nhưng thương lái chỉ trả mua được với giá 12.000 đồng/kg. Dù giá thấp, anh vẫn chấp nhận bán để lấy tiền trang trải phí đầu tư.
“Thỏa thuận giá cả xong xuôi nhưng mãi không thấy người ta đến bắt ngao, sốt ruột tôi lại gọi điện báo, cuối cùng người ta cũng không xuống thu ngao”, anh Nghị nói.
Không riêng gì gia đình anh Nghị, nhiều hộ gia đình khác cũng trong cảnh tương tự. Gia đình ông Lê Văn Tiến ở xã Kim Mỹ cũng đang lao đao vì có hơn 600 tấn ngao quá lứa nhưng không ai mua. Nhiều ngày qua, ông Tiến chỉ biết chờ đợi trong vô vọng, chỉ mong sao bán được ngao, dù vẫn biết giá thu mua này người nuôi không có công và thậm chí còn lỗ.
Ông Tiến cho hay, mọi năm loại ngao size dưới 70 con/kg giá bán được 20.000 đồng/kg nhưng giờ chỉ bán được 14.000 đồng/kg. Cả cánh đồng ngao bạt ngàn nhưng người mua thì lác đác. Cả huyện may cũng chỉ bán được chưa đầy chục tấn ngao.
Ngán ngẩm vì… ngao
Giá ngao thấp, bán không ai mua khiến nhiều hộ dân ở Kim Sơn đang dần khánh kiệt. Bởi chi phí bỏ ra đầu tư nuôi lứa ngao có gia đình lên đến hàng tỷ đồng, nhưng giờ đến ngày thu hoạch thì không thể thu hồi được vốn, thậm chí còn lỗ nặng.
Anh Nghị tâm sự, gia đình phải vay mượn để đầu tư vào nuôi ngao, chi phí để nuôi được 1.000 tấn ngao là vô cùng lớn. Ngao không bán được, dù có để nuôi thêm thì sản lượng cũng không tăng, trong khi đó tiền lãi hàng tháng vẫn phải đóng đều, tình trạng này mà cứ kéo dài thì năm nay coi như là thất thu.
“Hiện tại những người nuôi ngao như gia đình tôi đã cạn kiệt vốn và không thể tiếp tục sản xuất. Mong sao các cơ quan chức năng, nhà nước quan tâm đến bà con nuôi ngao, hỗ trợ bà con tìm đầu ra để sớm ổn định sản xuất trở lại, không thì chúng tôi phá sản mất”, anh Nghị chia sẻ.
“Tôi nuôi ngao mấy chục năm nay, chưa bao giờ rơi vào tình cảnh éo le như thế này. Bao nhiêu chi phí đầu tư chỉ trông chờ vào ngày bán ngao để lấy tiền trang trải, thế nhưng đến lúc bán lại không có người mua, đẩy người nuôi ngao vào thế chân tường. Quá ngán ngẩm vì ngao rồi”, ông Tiến buồn bã nói.
Ông Tiến chia sẻ thêm, phải tầm gần 1 năm nữa mới thu hoạch hết được lứa ngao hàng trăm tấn của gia đình. Không phải mình nhà ông mà hầu như ngao ở đây, của gia đình nào cũng đều đã quá tuổi 1 - 2 năm. Nếu có nuôi thêm thì sản lượng cũng không tăng, thậm chí còn giảm đi, đấy là còn chưa kể mùa bão gió đang cận kề, rủi ro là không thể tránh khỏi.
Ông Trần Văn Hiệp, chủ một cơ sở phân loại ngao trên địa bàn huyện Kim Sơn cho biết, hiện tại do dịch Covid-19 nên cơ sở của ông chỉ hoạt động ở mức cầm chừng, công suất giảm hơn 80% so với trước khi dịch.
“Mỗi ngày cơ sở của tôi chỉ sàng, phân loại cho bà con được dưới 20 tấn ngao một ngày, so với trước kia là trên 100 tấn/ngày, có khi lên tới 150 tấn. Trước kia chỉ cần size dưới con 90 con/kg là họ đã mua, nhưng hiện tại thương lái họ chỉ mua cho bà con loại ngao dưới 70 con/kg, giá cũng rất thấp và số lượng lại hạn chế.
Lý giải về giá ngao rớt thê thảm, ông Hiệp cho hay, thị trường xuất khẩu ngao lớn nhất là Trung Quốc, nhưng do dịch Covid-19 nên không thế xuất sang được. Hiện chỉ có tiêu thụ cho thị trường nội địa nhưng sức mua hạn chế nên là nguyên nhân chính khiến bà con không thể xuất bán được ngao.