Lãnh đạo Samco nói gì về những sai phạm mà Thanh tra TPHCM đã nêu?
(Dân trí) - Thanh tra TPHCM đã nêu ra nhiều sai phạm tại Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (Samco). Đại diện doanh nghiệp này cũng đã có những phản hồi đầu tiên về những thông tin trên.
Theo thanh tra thành phố, công ty thành viên của Samco là Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông có nhiều sai phạm khi bị thanh tra. Bến xe Miền Đông đã không thu phí dịch vụ của hàng chục ngàn lượt xe xuất bến trong 3 năm liên tiếp (2015 – 2017) là không có cơ sở.
Ngoài ra, Bến xe Miền Đông cho các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh và sử dụng lại một phần nhà văn phòng không đúng theo quy định từ tháng 11/2015 đến tháng 11/2017.
Ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (Samco) cho biết, ngay sau khi có kết luận của Thanh tra TPHCM thì Bến xe Miền Đông đã gửi văn bản đến Tổng Cục Đường bộ Việt Nam để xin ý kiến nhằm giải trình với lực lượng thanh tra.
Theo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, trong thực tế, đối với các xe có thời gian chờ vào vị trí đón khách lâu thường được bến xe cho ra đỗ ở ngoài bến hoặc giải quyết cho xe ra ngoài bến để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, rửa xe, đổ nhiên liệu… và chỉ cần vào lại bến xe trước thời gian được bố trí vào vị trí đón khách theo quy định. Trong trường hợp này, các bến xe chỉ tính là một lần xe ra, vào bến và chỉ thu giá dịch vị xe ra, vào bến một lần.
Về việc cho thuê mặt bằng kinh doanh quầy vé, dịch vụ ăn uống, trung tâm thương mại thì Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng Bến xe Miền Đông cho các đơn vị vận tải thuê quầy vé tại bến xe là đúng với quy định. Các công trình trung tâm thương mại, nhà hàng phục vụ ăn uống là công trình được khuyến khích đầu tư xây dựng tại bến xe.
Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động các dịch vụ nói trên phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
“Việc cho thuê mặt bằng tại Bến xe Miền Đông không đúng quy định trong 3 năm thì chúng tôi đã xin ý kiến UBND thành phố và UBND thành phố đã đồng ý cho chúng tôi khắc phục. Chúng tôi sai là sửa liền, không tiêu cực, không làm trái quy định và không gây hậu quả”, ông Toản nói.
Thanh tra TPHCM cũng nêu rõ, trong năm 2015 và 2016 thì lãnh đạo, nhân viên Tổng công ty Samco đã tổ chức đi nước ngoài 87 đợt. Năm 2015, Tổng công ty Samco tổ chức đi 33 đợt với tổng kinh phí là 4,9 tỷ đồng. Năm 2016, công ty này đi 38 đợt với tổng kinh phí là 5,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2017, Samco tổ chức đi nước ngoài 16 đợt với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 28/10 thì Samco cũng tổ chức cho đoàn cán bộ cấp cao của mình đi châu Âu du lịch.
Ông Trần Quốc Toản chia sẻ, việc đi du lịch nước ngoài thường xuyên là điều bình thường ở doanh nghiệp. Tại Tổng công ty Samco thì cán bộ, nhân viên có thời gian làm việc tối thiểu 3 năm và có nhiều đóng góp cho công ty sẽ được xem xét để được đi du lịch nước ngoài theo quỹ phúc lợi của đơn vị này.
“Cán bộ đi công tác đều có quyết định đi công tác và phải thực hiện thanh toán theo quy định. Đối với cán bộ chủ chốt thuộc quản lý của thành phố thì phải xin ý kiến mới được đi”.
“Thanh tra thành phố chỉ nêu vấn đề và nhắc nhở chúng tôi khi thanh toán phải giữ lại cùi vé máy bay. Tuy nhiên, đó là theo kiểu cũ, chứ bây giờ đâu cần, bởi vì hiện nay thì đơn vị bán vé máy bay đã xuất hóa đơn chứng từ cho công ty rồi nên chúng tôi chỉ mang hóa đơn về thanh toán thôi chứ giữ cùi vé máy bay làm gì. Thanh tra cũng chỉ lập biên bản ghi nhận chứ không kết luận gì về vấn đề này”, ông Toản nói.
Đại Việt