Lãnh đạo EVN trần tình về lương khủng

Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri đã có trao đổi xung quanh câu chuyện lương thưởng và đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Lãnh đạo EVN trần tình về lương khủng - 1
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri.
 
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết mức thu nhập bình quân toàn Cty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng còn lương khối văn phòng tới gần 30 triệu đồng. Ông có ý kiến gì về việc này?

 

Lương của công ty mẹ được thực hiện theo thỏa thuận với Bộ LĐTB&XH về đơn giá tiền lương. Theo đó, năm 2010, đơn giá tiền lương sản xuất kinh doanh điện của Cty mẹ là 5.434 đồng/1.000 kWh điện bán (sản lượng điện bán năm 2010 của EVN là 90,596 tỷ kWh).

 

Còn quỹ tiền lương kế hoạch năm 2010 đối với Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN (7 người) là 3,108 tỷ đồng. Hội đồng thành viên tập đoàn được hưởng tiền thưởng an toàn điện năm 2010 theo quyết định 234 của Thủ tướng Chính phủ...

 

Mức lương của các phó tổng EVN tính theo đơn giá. Như tôi tính hệ số 8,2 của lương cơ bản với tổng lương khoảng 30 triệu đồng/tháng, chưa tính một số khoản khác như tăng ca…. Lương trung bình của văn phòng công ty mẹ như kiểm toán đưa ra thì tôi không rõ lấy ở đâu ra.

 

Vậy số tiền lương bình quân thực tế của cán bộ văn phòng tập đoàn nhận hàng tháng là bao nhiêu?

 

Tôi cũng không nhớ chính xác. Cả khối văn phòng tập đoàn hiện hơn 300 người. Về tính lương các phòng ban hàng tháng sẽ chia ra theo A, B, C với các mức hệ số khác nhau. Số tiền lương chính xác phải kiểm tra lại.

 

Được biết ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch EVN được nhận mức thù lao khá cao từ Ngân hàng An Bình do đang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị?

 

Hiện tập đoàn có người đại diện vốn ở mấy chục công ty. Những người đại diện này sẽ nhận lương từ công ty cổ phần mà họ đang được cử đại diện vốn, còn tập đoàn không trả lương.

 

Theo quy định của tập đoàn, tất cả các khoản thù lao được nhận nhờ chức danh kiêm nhiệm ở các đơn vị EVN góp vốn thì người đại diện vốn phải nộp về tập đoàn vào một quỹ chung. Cái này gọi như một khoản thu nhập khác của EVN.

 

Tập đoàn sau đó căn cứ hoạt động của từng công ty sẽ chia tiền thù lao nhận được này cho những người đại diện đó căn cứ theo nhiệm vụ hoàn thành của từng năm. Với những người hoạt động tốt thì sẽ được thưởng từ nguồn cổ tức đưa về tập đoàn. Như trường hợp ông Hưng tất cả các khoản thù lao nhận được từ Ngân hàng An Bình thì cũng phải nộp về tập đoàn.

 

Về việc đầu tư ngoài ngành thua lỗ của EVN ra sao, thưa ông?

 

Với EVN, định nghĩa đầu tư ngoài ngành khó vì tập đoàn được Chính phủ cho phép kinh doanh đa ngành và được ghi trong điều lệ. Vả lại, thời điểm đó đầu tư ngoài ngành theo phong trào. Nhiều người cứ nghĩ ngoài điện là ngoài ngành vậy cơ khí điện có phải ngoài ngành không. Đầu tư viễn thông đã được cho phép. Còn đầu tư vào tài chính, bất động sản, ngân hàng thì EVN bỏ ra 2.108,8 tỷ đồng, trong đó đầu tư bất động sản chỉ hơn 100 tỷ đồng.

 

Chúng tôi đã có kế hoạch thoái vốn khỏi các đơn vị đã góp vốn.

 

Năm nay EVN có thưởng Tết cho cán bộ?

 

Lợi nhuận âm thì làm sao có phúc lợi. Không có nguồn để trích dù chúng tôi bị lỗ là do chính sách và được Chính phủ cho phép.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo ông Đinh Quang Tri, việc tăng giá điện thêm 5% từ ngày 20/12 chủ yếu là tạo cơ sở pháp lý để tính giá điện cho năm 2012 vì tiền thu chủ yếu chuyển sang tháng 1/2012 là chính. Mức thu của EVN nhờ tăng giá điện trong 10 ngày cuối của năm 2011 dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.

 

Theo Phạm Tuyên

TPO