Tiêu điểm kinh tế tuần qua:

Lãnh đạo Chính phủ chỉ trích nạn “sân trước, vườn sau”, thói đùn đẩy trách nhiệm

(Dân trí) - “Việc tham nhũng, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau là có. Nếu chủ tịch, tổng giám đốc còn 2 hôm nữa nghỉ hưu thì đừng cố làm” - đây là một trong những phát biểu đáng chú ý của lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua.

Thủ tướng: Có chuyện “sân trước, vườn sau”, lãnh đạo sắp nghỉ hưu vẫn... cố làm!

Lãnh đạo Chính phủ chỉ trích nạn “sân trước, vườn sau”, thói đùn đẩy trách nhiệm - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Sáng 16/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Đề cập tới vấn đề lựa chọn nhân sự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chất lượng cán bộ quyết định tới sự tồn vong của bất kỳ cơ quan, đơn vị nào, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ quan quản lý vốn và Bộ, ngành. Tuy nhiên, việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều vướng mắc. 

“Từ nay sẽ không có khoảng trống về vấn đề cán bộ. Tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải chủ động hơn nữa, đừng để tiếp diễn tình trạng còn vài ngày nữa về hưu mà vẫn chưa tìm được người thay thế” - Thủ tướng khẳng định.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm “tới tuổi về hưu mà vẫn cố kéo dài thêm thời gian công tác là không hay” và cho rằng người đứng đầu đơn vị ngại đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, vì lợi ích cục bộ của ngành, của lĩnh vực, thậm chí tham nhũng, che giấu sai phạm dẫn đến cố tình làm trái và không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ. 

“Việc tham nhũng, sân trước, sân sau , thậm chí vườn sau là có. Nếu Chủ tịch, Tổng Giám đốc còn 2 hôm nữa nghỉ hưu thì đừng cố làm. Các đồng chí giàu đã giàu rồi, nghèo đã nghèo rồi, đừng cố làm rồi gây hậu quả.” - Thủ tướng nhắc nhở.

Phó Thủ tướng gay gắt vì sai phạm, “đùn đẩy” trách nhiệm nhưng không ai bị cách chức!

Lãnh đạo Chính phủ chỉ trích nạn “sân trước, vườn sau”, thói đùn đẩy trách nhiệm - 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Cũng tại Hội nghị đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước diễn ra sáng 16/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, một số Bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong cổ phần hoá... trong đó đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xem xét nguyên nhân tại sao cổ phần hoá chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu 2 thành phố này. 

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cổ phần hoá và thoái vốn phải theo tinh thần công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thông tin, trong quá trình này đã phát hiện những bất cập.

“Hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm , làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Phó Thủ tướng phê bình lãnh đạo Bộ Tài chính, TN&MT “vắng mặt” tại Diễn đàn Kinh tế

Lãnh đạo Chính phủ chỉ trích nạn “sân trước, vườn sau”, thói đùn đẩy trách nhiệm - 3

Diễn đàn kinh tế HTX diễn ra tại Hà Nội ngày 14/10

Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2019 diễn ra ngày 14/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có những phát biểu đáng chú ý.

Tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Tài chính “vắng mặt”, không tham gia Diễn đàn. Theo Phó Thủ tướng, đây là hai Bộ có liên quan trực tiếp tới chính sách tài chính và đất đai đã nhấn mạnh trong Nghị quyết số 13 của Trung ương về phát triển kinh tế hợp tác.

“Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm nhiều đến kinh tế hợp tác. Các chính sách chưa đi vào cuộc sống vì nó chưa tiệm cận được với cơ chế thị trường.” - Phó Thủ tướng nhận xét.

Ông cũng cho rằng, nhiều địa phương vẫn còn “ám ảnh” mô hình HTX kiểu cũ, không còn phù hợp với tình hình mới hiện nay. Do vậy, có nơi áp đặt phát triển HTX bằng mệnh lệnh hành chính thì không thành công, những địa phương nào mà buông lỏng thì HTX càng bết bát.

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang mang khối nợ "khổng lồ"

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội, trong đó đánh giá về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước , Công ty mẹ - công ty con. Danh sách này vào khoảng 80 doanh nghiệp.

Số liệu báo cáo hợp nhất về tổng tài sản của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ - công ty con là hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tổng các khoản phải thu là 324.358 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 12.277 tỷ đồng , tăng 2% 

Đáng chú ý, tổng số nợ phải trả của nhóm doanh nghiệp này là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, giảm 1% so với thực hiện năm 2017, chiếm 54% tổng nguồn vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty.

Một số Tập đoàn, Tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn như: EVN (95.933 tỷ đồng); PVN (114.769 tỷ đồng); TKV (42.961 tỷ đồng); Viettel (28.658 tỷ đồng); Vinachem (27.467 tỷ đồng); Vicem (11.056 tỷ đồng)...

Cao tốc Bắc - Nam: “Nới” điều kiện đấu thầu, chấp nhận nhà đầu tư nội có vốn ngoại

Lãnh đạo Chính phủ chỉ trích nạn “sân trước, vườn sau”, thói đùn đẩy trách nhiệm - 4

8 dự án cao tốc Bắc - Nam đã được phát hồ sơ sơ tuyển

Liên quan đến dự án Cao tốc Bắc - Nam đang được đông đảo độc giả quan tâm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phát hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà thầu cho 8 dự án thành phần của “đại dự án”.

Trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT quy định nhà đầu tư có phần vốn nước ngoài vẫn được tham gia đầu tư (hoặc tham gia các liên danh nhà đầu tư), với điều kiện phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51%, tức nhà đầu tư nước ngoài không nắm cổ phần chi phối.

Theo Bộ GTVT, quy định này nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, vì hiện có nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Hoặc nhà đầu tư nước ngoài có thể liên kết doanh nghiệp trong nước lập pháp nhân mới, nhưng phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại cũng không được vượt quá 51%.

Xăng dầu quay đầu giảm giá, mức cao nhất tới hơn 2.000 đồng

Lãnh đạo Chính phủ chỉ trích nạn “sân trước, vườn sau”, thói đùn đẩy trách nhiệm - 5

Giá xăng quay đầu giảm

Về thông tin chính sách thị trường đáng chú ý nhất trong tuần qua, từ 15 giờ chiều ngày 16/10, theo chỉ đạo của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 310 đồng/lít; Xăng RON95 giảm 271 đồng/lít; Dầu diesel giảm 415 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 528 đồng/lít; Dầu mazut giảm 2.103 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 có mức giá tối đa là 19.470 đồng/lít; Xăng RON95 là 20.795 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S 16.223 đồng/lít; Dầu hỏa 15.258 đồng/lít; Dầu mazut 12.816 đồng/kg.

Cũng tại kỳ điều chỉnh này, nhà điều hành yêu cầu thực hiện giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, tăng mức trích lập Quỹ bình ổn đới với dầu mazut lên mức 900 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít/kg).

Đồng thời chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với xăng RON95 200 đồng/lít, các loại khác không chi (kỳ trước chi 200-500 đồng/lít/kg, tùy loại).

Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 16/10 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.

Mai Chi (tổng hợp)