Cao tốc Bắc - Nam: “Nới” điều kiện đấu thầu, chấp nhận nhà đầu tư nội có vốn ngoại

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phát hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà thầu cho 8 dự án thành phần của “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam. Bộ này “nới lỏng” một số điều kiện tham gia đấu thầu, nhà đầu tư có vốn nước ngoài vẫn được tham gia dự án.

Theo Bộ GTVT, việc đấu thầu rộng rãi trong nước cho 8 dự án cao tốc Bắc - Nam có nhiều điều kiện được điều chỉnh giảm so với hồ sơ mời sơ tuyển đầu thầu quốc tế trước đó.

Cụ thể, về năng lực kinh nghiệm, nhà đầu tư đủ điều kiện khi từng tham gia một gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 20% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thầu, thay vì mức 30% như hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế).

Đối với liên danh nhà đầu tư, trong hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trong nước, Bộ GTVT vẫn giữ quy định nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải chiếm ít nhất 30% vốn góp trong liên danh, mỗi liên danh không quá 5 nhà đầu tư.

Bộ GTVT cũng bỏ quy định các nhà đầu tư khác tham gia trong liên danh phải chiếm tối thiểu 15% vốn góp so với quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đây.

Ngoài ra, trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT quy định nhà đầu tư có phần vốn nước ngoài vẫn được tham gia đầu tư (hoặc tham gia các liên danh nhà đầu tư), với điều kiện phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51%, tức nhà đầu tư nước ngoài không nắm cổ phần chi phối.

Theo Bộ GTVT, quy định này nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, vì hiện có nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Hoặc nhà đầu tư nước ngoài có thể liên kết doanh nghiệp trong nước lập pháp nhân mới, nhưng phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại cũng không được vượt quá 51%.

Cao tốc Bắc - Nam: “Nới” điều kiện đấu thầu, chấp nhận nhà đầu tư nội có vốn ngoại - 1
8 dự án cao tốc Bắc - Nam đã được phát hồ sơ sơ tuyển

Ngoài những thay đổi nói trên, các điều kiện còn lại với nhà đầu tư tham gia sơ tuyển các đoạn dự án BOT cao tốc Bắc - Nam vẫn giữ nguyên, như: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (liên danh nhà đầu tư) phải bằng ít nhất 20% giá trị dự án tham gia đấu thầu; nhà đầu tư phải có cam kết tài trợ vốn từ tổ chức tín dụng; Nhà nước không bảo lãnh tỷ giá, doanh thu tối thiểu…

Bộ GTVT cho biết, Nghị quyết Quốc hội chỉ rõ trong trường hợp đoạn tuyến nào đó không có nhà đầu tư tham dự đấu thầu thì phải báo cáo Thường vụ Quốc hội để chuyển hình thức đầu tư, không chỉ định thầu.

Trước đó, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế với 8 dự án PPP. Đã có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển, gồm: 19 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc; 11 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc - Việt Nam; 15 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam; 3 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam - Pháp; 10 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc; 1 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc - Việt Nam và 1 hồ sơ của nhà đầu tư Philippines - Việt Nam.

Theo kết quả đánh giá của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của các cơ quan thẩm định, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. “Số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.” - Bộ GTVT khẳng định.

Hồi cuối tháng 9, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Việc hủy thầu được căn cứ theo Khoản 2, Điều 17 của Luật Đấu thầu năm 2013, quy định rõ các trường hợp hủy thầu do thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Cao tốc Bắc - Nam phía Đông hủy đấu thầu quốc tế là do thay đổi mục tiêu của Dự án. 

Châu Như Quỳnh