Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang mang khối nợ "khổng lồ"

(Dân trí) - Chính phủ vừa báo cáo lên Quốc hội về tổng số nợ phải trả của nhóm 80 doanh nghiệp bao gồm các Tập đoàn, Tổng công ty là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang mang khối nợ khổng lồ  - 1

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội, trong đó đánh giá về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ - công ty con. Danh sách này vào khoảng 80 doanh nghiệp.

Số liệu báo cáo hợp nhất về tổng tài sản của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ - công ty con là hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2017. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân là 38%. 

Báo cáo của Công ty mẹ có tổng tài sản là hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2017. Hệ số tự tài trợ tài sản cố định (Vốn chủ sở hữu/Giá trị tài sản cố định) năm 2018 là 3,08 lần, cho thấy mức độ sử dụng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào tài sản cố định phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá cao.

Báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 324.358 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 12.277 tỷ đồng , tăng 2% so với thực hiện năm 2017, chiếm 2% tổng số nợ phải thu.

Theo đánh giá của Chính phủ, hầu hết các Công ty mẹ có tốc độ thu hồi công nợ của khách hàng đủ để đảm bảo dòng tiền luân chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, tổng số nợ phải trả của nhóm doanh nghiệp này là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, giảm 1% so với thực hiện năm 2017, chiếm 54% tổng nguồn vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2018 là 1,13 lần (Công ty mẹ là 1,20 lần); có 17 Công ty mẹ có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần).

Một số Tập đoàn, Tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn như: EVN (95.933 tỷ đồng); PVN (114.769 tỷ đồng); TKV (42.961 tỷ đồng); Viettel (28.658 tỷ đồng); Vinachem (27.467 tỷ đồng); Vicem (11.056 tỷ đồng)...

Một số Công ty mẹ thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lũy kế giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tính đến 31/12/2018 của các Công ty mẹ là 4.048 tỷ đồng, bao gồm: TKV phát hành 3.000 tỷ đồng; HUD phát hành 500 tỷ đồng; Công ty mẹ -Tổng công ty Đông Bắc phát hành 548 tỷ đồng. 

Báo cáo hợp nhất, nợ nước ngoài của các Tập đoàn, Tổng công ty là 484.769 tỷ đồng (vay ngắn hạn là 7.432 tỷ đồng; vay dài hạn là 477.337 tỷ đồng).

Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo báo cáo, khối các doanh nghiệp lớn này có tổng doanh thu đạt 1.420.911 tỷ đồng, tăng 9%. Có 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 9.025,902 tỷ đồng và 4 công ty mẹ còn lỗ lũy kế 1.054,262 tỷ đồng. Năm 2018, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt 231.697 tỷ đồng.

Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn, điển hình là 12 dự án thua lỗ lớn ngành Công Thương.

Phương Dung