Lãnh đạo các tập đoàn kinh tế “phát sốt” vì dịch corona
(Dân trí) - Lãnh đạo các Tập đoàn dầu khí, than-khoáng sản, hàng không, hàng hải, cà phê, ... thừa nhận về “kịch bản” kinh doanh xấu nhất đang phải đối mặt do dịch Covid-19 gây ra.
Dự án đình trệ, hàng hóa tồn kho
Tại cuộc họp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) đánh giá về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh hôm nay (28/2), ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam (TKV) - cho biết, tập đoàn có gần 10 vạn công nhân, lao động Trung Quốc làm việc cho ngành than có 397 người.
“Khi dịch Covid-19 bùng phát, số lao động Trung Quốc về nước ăn Tết Nguyên đán và được đề nghị nghỉ hết dịch mới trở lại Việt Nam làm việc. Hiện những lao động ở lại Việt Nam không về ăn Tết có 23 người tại Quảng Ninh, 1 người ở Lâm Đồng và 5 người ở Lào Cai. Nếu lao động TKV bị nhiễm dịch thì rất nguy hiểm, chắc chắn phải đóng cửa hầm mỏ, dừng hoạt động khai thác” - ông Chuẩn thông tin.
Chủ tịch TKV nêu lên các khía cạnh mà ngành than đang bị tác động bởi Covid-19, cụ thể: Dự án liên quan đến Trung Quốc là than có các dự án nhóm A, B. Nếu công nhân Trung Quốc không sang được thì buộc phải đưa công nhân Việt Nam vào làm việc thay thế.
Dự án khoáng sản Đồng ở Lào Cai đang sử dụng 100% là thiết bị Trung Quốc, lao động Trung Quốc không sang được nên không thể thi công, khai thác được. Trong khi đó, giá than nhập khẩu từ Trung Quốc tăng, thị trường Trung Quốc hiện đang hoạt động cầm chừng nên không có nhu cầu xuất-nhập khẩu; thủ tục đưa than nhập khẩu về rất phức tạp, phải thực hiện cách ly...
“Khoáng sản nhôm đầu tháng 2 đã giảm 20 USD/tấn, doanh thu dự báo cả năm 2020 hụt 1.000 tỷ đồng. Khai thác than nguyên liệu sử dụng thiết bị của Trung Quốc nên hiện không khai thác được, TKV đang nghiên cứu đưa thiết bị Việt Nam sản xuất vào thay thế thiết bị Trung Quốc, không thể chờ đợi hết dịch” - ông Chuẩn nói và cho biết ngành TKV đã đặt ra “kịch bản” xấu nhất.
Cũng nêu lên những thiệt hại nặng nề, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) - cho hay: Covid-19 tác động rất lớn tới ngành dầu mỏ và năng lượng, đặc biệt là dầu thô và sản phẩm dầu bị tác động rất lớn về giá.
“Khi có dịch, tất cả các tổ chức thuộc khối OPEC đưa ra dự báo về một bức tranh rất xấu trong năm 2020” - ông Hùng nêu rõ và thông tin ngành dầu khí đang khai thác 230.000- 280.000 thùng/ngày, cứ giảm 1USD/thùng thì con số thiệt hại là rất lớn, đặc biệt là Covid-19 dẫn tới tồn kho dầu. Hiện các nước lớn như Trung Quốc, Brazil không có giao dịch về dầu mỏ.
“Các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu, chênh lệch giá dầu thô và giá bán thành phẩm chỉ 3USD mà điểm hoà vốn Dung Quất là 5 USD, Nghi Sơn 12 USD. Tồn kho cả đầu vào và đầu gia rất lớn, nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tồn kho 90%” - ông Hùng nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam đề cập tới nhiên liệu hàng không và dẫn ra sản lượng xuất bán dự kiến tháng 2 và tháng 3/2020 giảm 20%, tập trung ở các sân bay - điểm bán có lợi nhuận tốt. Về số chuyến tra nạp, trong tháng 2/2020 giảm khoảng 240-250 chuyến/tuần, chủ yếu là các chuyến bay đến/đi tới Trung Quốc.
Xuất khẩu chạm đáy, doanh thu “lao dốc”
Là lĩnh vực kinh doanh bị dịch bệnh tác động trực tiếp nhất, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - thông tin: “Dịch bệnh “kéo lùi” hàng không chậm lại 3-4 năm, tình hình dịch bệnh khiến cho tích lũy của 4-5 năm trước coi như về 0. Hàng không không có khách nên phải dừng bay, riêng Vietnam Airlines có 100 chiếc máy bay và bây giờ 40 máy bay nằm chờ”.
CEO Vietnam Airlines bày tỏ 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, hãng phải đưa ra các giải pháp chưa từng có tiền lệ, đó là: Cắt giảm 40%lương Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tổng Công ty, phi công nước ngoài phải nghỉ việc không lương, cán bộ công nhân viên cũng phải nghỉ việc luân phiên, một số văn phòng đại diện phải đóng cửa...
Ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay: Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng khối cảng biển toàn Tổng công ty ước tính giảm gần 19 triệu tấn, doanh thu ước giảm 992 tỷ đồng và giảm khoảng 224 tỷ đồng lợi nhuận.
Sản lượng vận tải của đội tàu Vinalines giảm 10-15%, doanh thu giảm khoảng 600 tỷ đồng và lỗ toàn đội tàu sẽ tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng, đặc biệt là đối với nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay - việc trả nợ gốc và lãi vay đối với các khoản nợ và các ngân hàng thương mại là vô cùng khó khăn.
“Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hết quý I sang đến giữa quý II/2020, nhiều khả năng hầu hết đội tàu của Vinalines sẽ phải dừng hoạt động, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu” - Chủ tịch Vinalines nhấn mạnh.
Báo cáo UBQLVNN, lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt nam cho biết doanh nghiệp đang chịu tác động lớn do thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tình hình tiêu thụ chậm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất từ 5-8 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu giảm xuống mức đáy 1.260 USD/tấn.
Kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLVNN tại doanh nghiệp - nhận định: Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty và đề nghị các đơn vị ưu tiên thực hiện các giải pháp về phòng, chống, ứng phóng với dịch bệnh.
Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh đã đề ra trong thời gian dịch bệnh nhằm duy trì và ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, trong đó cso các giải pháp linh hoạt về nguyên liệu sản phẩm, tồn kho và chi phí; tiết kiệm chi phí, giãn/hoãn các khoản đầu tư mua sắm chưa cấp bách, hạn chế tối đa việc hội họp, đi công tác trong và ngoài nước để tập trung xử lý công việc.
Chủ tịch UBQLVNN cũng cho rằng giai đoạn khó khăn này cũng là dịp đo “sức khỏe” của các tập đoàn, tổng công ty - những đầu tàu kinh tế của đất nước.
Châu Như Quỳnh