1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC xem xét văn kiện quan trọng nào tại Đà Nẵng?

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong vài ngày tới lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ xem xét 4 văn kiện vừa được thông qua tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế (AMM) hôm nay (9/11).

Tại cuộc họp báo quốc tế chiều cùng ngày, trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế sẽ trình lên Hội nghị cấp cao lãnh đạo các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vài ngày tới những văn kiện quan trọng nào, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có những trao đổi cụ thể.

Phó Thủ tướng cho biết, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế hoan nghênh những văn kiện của các hội nghị trong năm 2017 liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội, việc làm.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo quốc tế chiều 9/11 về AMM
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo quốc tế chiều 9/11 về AMM

Hội nghị liên Bộ trưởng vừa kết thúc đã thông qua 4 văn kiện, đó là: Thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, bền vững và sáng tạo; kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020; chương trình hành động phát triển nông thôn, đô thị.

“Đây là những văn kiện đã được Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - kinh tế thông qua và sẽ báo cáo lên Hội nghị cấp cao. Đồng thời, các Bộ trưởng cũng thống nhất có các văn kiện định hướng về tầm nhìn, về phương hướng phát triển của APEC để trình lên Hội nghị cấp cao xem xét trong vài ngày tới” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Theo lịch làm việc, phiên họp của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra vào ngày 11/11. Tại đây, lãnh đạo các nền kinh tế sẽ xem xét về 4 văn kiện và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế đã thông qua và báo cáo.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề cập tới lí do tại sao APEC lần này chưa thông qua được kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Lima về Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, đây là thực tế, là nhu cầu và ưu tiên cao của các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong suốt năm 2017, có nhiều khuôn khổ hợp tác mà các nền kinh tế đều nghiên cứu và phối hợp với nhau để xây dựng và xác định ra các nội dung cơ bản, có tính ưu tiên nhằm đưa vào chương trình, kế hoạch hành động để thực thi Tuyên bố Lima về FTAAP.

Đối với cả 21 nền kinh tế có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tại mỗi châu lục. “Với mức độ, trình độ, mức phát triển kinh tế - xã hội khác nhau và có những mối quan tâm, ưu tiên đa dạng và nhiều lĩnh vực. Vì vậy, việc xây dựng một chương trình hành động cụ thể để thực thi Tuyên bố Lima thì không phải đơn giản” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh về “khoảng cách” (dù không lớn) trong việc lựa chọn các lĩnh vực, nội dung cụ thể để đưa vào chương trình hành động này của 21 nền kinh tế APEC.

“Tại Hội nghị Bộ trưởng và APEC lần này quyết phải cần thêm thời gian để tiếp tục thảo luận và làm rõ trên cơ sở đồng thuận về những nội dung và chương trình ưu tiên của các nền kinh tế thành viên, từ đó thống nhất đưa vào chương trình FTA và sẽ thực hiện trong năm 2018. Điều này giúp cho chúng ta có được bền vững và đồng thuận cao, đảm bảo tính thực thi của Tuyên bố Lima về FTAAP” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Châu Như Quỳnh

Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC xem xét văn kiện quan trọng nào tại Đà Nẵng? - 2

Dòng sự kiện: APEC 2017

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm