Lạng Sơn: Hiệu quả kinh tế từ trồng cây mắc ca

Trường Thịnh

(Dân trí) - Mắc ca là loại cây "kén" khí hậu nhưng khi trồng ở Lạng Sơn cây cho năng suất và chất lượng quả tốt. Người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang mở rộng diện tích cây mắc ca, góp phần nâng cao thu nhập.

Thời điểm này, người dân trên địa bàn tỉnh vừa thu hoạch xong vụ mắc ca năm nay. Theo các hộ dân, năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng với kỹ thuật chăm sóc cẩn thận nên sản lượng đạt tốt, giá bán ổn định. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Nà Thà, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho biết: Gia đình tôi trồng mắc ca từ năm 2009 với diện tích 5 ha, đến nay, tôi đã mở rộng diện tích hơn 6 ha mắc ca. Mặc dù năm nay thời tiết bất lợi nhưng do có kinh nghiệm chăm sóc nên sản lượng vẫn được đảm bảo, thậm chí còn tăng lên. Vụ năm nay tôi thu hoạch được 35 tấn quả tươi, tăng 2 tấn so với năm 2020, sau khi sơ chế sẽ được 12 tấn mắc ca thành phẩm có giá 260.000 đồng/kg.

Ngoài trồng mắc ca, năm 2016, ông Hùng thành lập Công ty TNHH MTV Hoàng Liên MC để thu mua mắc ca cho một số hộ dân trên địa bàn tỉnh với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg quả tươi. Riêng vụ 2021, công ty đã thu mua 12 tấn quả tươi để sơ chế, tổng doanh thu ước đạt trên 2 tỷ đồng.

Lạng Sơn: Hiệu quả kinh tế từ trồng cây mắc ca - 1
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm, kiểm tra vườn trồng mắc ca tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng.

Còn đối với hộ bà Đàm Thị Bư, thôn Bó Mịn, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng cho biết: Gia đình tôi có tổng 2.400 cây mắc ca, trong đó có 2.000 cây hiện cho thu hoạch năm thứ 2. Năm nay dịch Covid-19, các thương lái từ miền Nam ra thu mua giá thấp hơn năm ngoái một chút nhưng bù lại sản lượng đạt trên 19 tấn quả tươi như năm nay, gia đình tôi cũng thu về gần 400 triệu đồng.

Cây mắc ca được trồng khảo nghiệm ở Lạng Sơn từ năm 2002. Sau đó, một số hộ dân và doanh nghiệp đã đầu tư trồng nhỏ lẻ tại các huyện, thành phố như: Lộc Bình, Tràng Định, Bình Gia, Cao Lộc, Văn Lãng... Các nguồn giống cây mắc ca được các doanh nghiệp, hộ dân trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các dòng: QN, QN1, 900, OC, 788, A38… xuất xứ từ Úc và Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 270 ha mắc ca, cây trồng sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, gồm nhiều độ tuổi khác nhau. Thời điểm này, người dân vừa mới thu hoạch xong mắc ca, sản lượng đạt trên 60 tấn (tăng 20 tấn so với năm 2020). Mắc ca được các thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua với giá tương đối ổn định, theo khảo sát thực tế trên thị trường, đối với quả tươi có giá từ 24.000 - 40.000 đồng/kg tùy từng chất lượng quả, đối với hạt tươi giá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Lạng Sơn: Hiệu quả kinh tế từ trồng cây mắc ca - 2

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam ký bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025.

Để phát triển mắc ca trên địa bàn, tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với chính quyền, các tổ chức và người dân để phát triển các dự án đầu tư phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hai bên cùng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình cá nhân phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tăng thu nhập cho người dân.