Lằng nhằng với nhà thầu: Loạt dự án thua lỗ cần trọng tài quốc tế phân xử

(Dân trí) - Có đến 8 dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội cho thấy, đối với các dự án thua lỗ thuộc ngành công thương, xử lý tranh chấp tại các hợp đồng EPC vẫn là khó khăn lớn. Đáng lưu ý, đa phần dự án này do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.

Theo báo cáo, có đến 8 dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.

Cụ thể, các dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, sản xuất đạm Hà Bắc, sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ do các bên không dàn xếp được nên hiện đã có quyết định đưa ra giải quyết tại Tòa án Trọng tài quốc tế vào tháng 11/2018.

4 dự án còn lại vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp nhưng chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và các giải pháp xử lý cuối cùng, gồm các dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Công ty DQS và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Ngoài tranh chấp thì còn tới 5 dự án, nhà máy có vướng mắc đối với quyết toán hoàn thành dự án, mặc dù các bên đã tích cực, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý, tuy nhiên, do các khó khăn, vướng mắc đối với Hợp đồng EPC cũng như công tác định giá tài sản nên hiện vẫn chưa xử lý được. Đó là các dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Công ty DQS; dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.

Cụ thể, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi do chưa hoàn thành việc khắc phục hệ thống xử lý nước thải và hoàn thiện chạy thử nghiệm thu toàn bộ Nhà máy nên chưa thể quyết toán Hợp đồng EPC để thanh quyết toán Dự án.

Đối với Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, việc quyết toán Hợp đồng EPC của dự án xây dựng Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - Giai đoạn 1 và chuyển giao dự án tàu 104.000 DWT vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc về xác định giá trị hoàn thành quyết toán của tàu 104.000 tấn DWT.

Đối với 3 dự án nhà máy sản xuất phân bón (gồm dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai), cả ba dự án đều chưa hoàn thành quyết toán hoàn thành dự án và vẫn đang tiến hành các bước triển khai thực hiện.

Trong đó, dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã thẩm định xong báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đã được kiểm toán và đang tiến hành xin ý kiến cổ đông; Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc do còn có một số ý kiến ngoại trừ trọng yếu làm ảnh hưởng đến giá trị quyết toán dự án nên việc quyết toán dự án sẽ khó hoàn thành theo kế hoạch và dự kiến việc quyết toán sẽ được hoàn thành sau khi có phán quyết của Tòa đối với tranh chấp chủ đầu tư với nhà thầu EPC.

Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình hiện đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước về việc hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện kiểm toán Dự án do Đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập đã từ chối đưa ra báo cáo kết quả kiểm toán.

Ngoài ra, một khó khăn khác là một số dự án, doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu nên gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn kinh phí để thực hiện các công việc nhằm khởi động, vận hành lại nhà máy và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gồm các dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, sản xuất đạm Ninh Bình, sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS.

Về phương hướng thời gian tới, Chính phủ khẳng định sẽ thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng để hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch.

Phương Dung

Lằng nhằng với nhà thầu: Loạt dự án thua lỗ cần trọng tài quốc tế phân xử - 2