Làn sóng dịch chuyển từ "nâu" sang "xanh" của ngành sản xuất đồ uống Việt

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngành nước giải khát tại Việt Nam đón nhận làn sóng chuyển dịch mô hình truyền thống sang kinh tế tuần hoàn với nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ hàng đầu để nâng cao năng lực sản xuất xanh.

Làn sóng dịch chuyển kinh tế từ "nâu" sang "xanh"

Cùng với sự tăng trưởng của các nền kinh tế, lượng tài nguyên tiêu thụ của các quốc gia ngày càng tăng, khiến tài nguyên dần cạn kiệt và chất lượng sống của con người cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, phần lớn các quốc gia đang dịch chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, với các phương thức sản xuất bền vững, phục hồi, tái tạo và giảm dần lượng tài nguyên phải khai thác, hạn chế xả thải ra môi trường.

Nhiều tập đoàn lớn, nhất là các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, đang tích cực chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang tuần hoàn bền vững, bởi những lợi ích mang lại cho cộng đồng xã hội và chính doanh nghiệp. Mô hình này cũng có thể trở thành lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp ứng dụng nó, vì các đối tác kinh doanh lớn sẽ ngày càng đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về tính bền vững.

Làn sóng dịch chuyển từ nâu sang xanh của ngành sản xuất đồ uống Việt - 1

Hệ thống dây chuyền công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic do Tập đoàn GEA (Đức) phát triển.

Trong lĩnh vực F&B, công nghệ Aseptic của GEA Procomac nổi bật với đặc tính vô trùng và thân thiện với môi trường. 

Một giờ, mỗi dây chuyền cho công suất 48.000 chai sản phẩm, tương đương hơn 13 chai sản phẩm được xuất xưởng mỗi giây với điểm đột phá của công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic là dung dịch sản phẩm không chỉ được siêu thanh trùng UHT mà tại khâu chiết rót, đóng nắp cũng đảm bảo thông qua chai tiệt trùng, nắp tiệt trùng, nước tiệt trùng, sản phẩm tiệt trùng và môi trường chiết vô trùng.

Làn sóng dịch chuyển từ nâu sang xanh của ngành sản xuất đồ uống Việt - 2

Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp tiên phong áp dụng công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic vào sản xuất tại Việt Nam.

Công nghệ Aseptic đang góp phần làm thay đổi ngành sản xuất thức uống, thực phẩm. Sự đột phá này đã giúp GEA Procomac trở thành công ty hàng đầu thế giới về công nghệ chiết rót vô trùng với hơn 230 dây chuyền vô trùng được lắp đặt trên toàn cầu.

Trước làn sóng kinh tế tuần hoàn bùng nổ trên toàn cầu và nhìn nhận được thị trường Việt Nam đầy thú vị và tiềm năng to lớn nhờ dân số trẻ, tập đoàn toàn cầu này đã đặt chân đến dải đất hình chữ S năm 2008, thông qua sự hợp tác với Tân Hiệp Phát.

Cú "bắt tay thập kỷ" để hướng tới nền kinh tế bền vững

Sự hợp tác giữa hai bên cũng là những một trong những bước đi tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Việt trong việc hưởng ứng và đưa vấn đề xanh vào trọng điểm hoạt động thông qua việc "giảm nâu - tăng xanh", nhằm tiến tới mục tiêu đưa phát thải ròng về mức "0" vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại COP26.

Làn sóng dịch chuyển từ nâu sang xanh của ngành sản xuất đồ uống Việt - 3

Các chuyên gia của Tập đoàn GEA thăm nhà máy nước giải khát của Tân Hiệp Phát.

"Một ví dụ rất tích cực về hoạt động mở rộng kinh doanh của chúng tôi tại thị trường Việt Nam là những dây chuyền sản xuất đã bán cho Tân Hiệp Phát trong 15 năm qua. Kể từ khi chuyển giao dây chuyền đầu tiên cho Tập đoàn này, từ đó đến nay chúng tôi chưa bao giờ ngừng việc hợp tác. Hơn một thập kỷ trôi qua, hai bên luôn làm việc, sáng tạo và tìm tòi để đạt được kết quả tối ưu cuối cùng", ông Luigi Bonzanini - Giám đốc Kinh doanh, Tiếp thị và Quản lý dự án toàn cầu của GEA Procomac - cho biết.

Làn sóng dịch chuyển từ nâu sang xanh của ngành sản xuất đồ uống Việt - 4

Buồng chiết lạnh vô trùng trong dây chuyền công nghệ Aseptic.

Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp sản xuất nước giải khát đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đầu tư và sở hữu tới 12 hệ thống dây chuyền công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic do Tập đoàn GEA (Đức) phát triển có tổng trị giá trên 300 triệu USD.

Theo đại diện GEA, công nghệ tiên tiến của Aseptic giúp các sản phẩm của Tân Hiệp Phát giữ lại được nhiều hàm lượng dưỡng chất tốt cho sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời giữ được màu sắc và mùi vị tự nhiên, tinh khiết, không chứa chất bảo quản. Công nghệ này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong quá trình sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa, đồng thời giảm hao hụt trong quá trình sản xuất, giảm cả điện và nước sử dụng. 

"Việt Nam nổi tiếng với những bãi biển đẹp và những đường bờ biển nắng vàng rực rỡ. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để bảo tồn đời sống đại dương, bảo tồn những bãi biển và những viên ngọc du lịch tiềm ẩn của chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau để hạn chế hết mức có thể nhựa sử dụng một lần. Tân Hiệp Phát sẵn sàng hợp tác để giải quyết những thách thức phía trước và làm mọi điều khả thi để vươn tới nền kinh tế tuần hoàn bền vững", đại diện Tân Hiệp Phát kêu gọi tại một sự kiện về kinh tế tuần hoàn diễn ra vào tháng 9/2023.

Ông Luigi Bonzanini cũng khẳng định trong tương lai, chiến lược của tập đoàn này là tiếp tục củng cố hơn nữa vị thế của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Trong kế hoạch này, việc hợp tác kinh doanh cùng có lợi với Tân Hiệp Phát qua những công nghệ tiên tiến được ông lớn đến từ châu Âu này coi là "mũi tiến công" ở giai đoạn tới.