Làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc, Việt Nam đừng bỏ lỡ

(Dân trí) - Việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Và giờ, dịch Covid-19 đang tiếp tục thúc đẩy quá trình đó.

Làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc, Việt Nam đừng bỏ lỡ - 1

Theo JLL Việt Nam, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp vừa diễn ra, cơ hội đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam được đề cập tới.

Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế mới đây cũng cho biết, một số nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam vì “tin tưởng vào tính an toàn”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, cần tận dụng tốt việc này.

"Việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Và giờ, Covid-19 đang tiếp tục thúc đẩy quá trình đó", ông Lược nói.

Ông Lược cho biết, lợi thế rất lớn của Việt Nam là kiểm soát tốt dịch bệnh, điều này là điểm cộng rất lớn cho môi trường đầu tư cho Việt Nam. Điều quan trọng bây giờ là hành động của chúng ta.

“Chúng ta cần có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý trong bối cảnh mới. Đón làn sóng này sẽ tạo cơ hội tốt cho chúng ta trong việc thúc đẩy nền kinh tế hậu Covid-19, tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh không nên áp dụng chính sách thu hút bằng mọi giá”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Lược nói: Tuyệt đối không ưu đãi bằng mọi thứ để mời gọi. Thu hút có chọn lọc, chỉ áp dụng ưu đãi với những tiêu chí rõ ràng như doanh nghiệp công nghệ cao, có cam kết chuyển giao công nghệ.

Theo nhìn nhận từ người đứng đầu Bộ Công Thương, dịch Covid-19 đã và đang gây ra cú sốc lớn cả về phía cung lẫn cầu cho nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế nói riêng. Hiện nay nhiều nền kinh tế lớn đã và đang lên kế hoạch tái cơ cấu chuỗi giá trị của các ngành sản xuất toàn cầu sau khi dịch bệnh kết thúc.

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã có định hướng mở rộng sản tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc dịch chuyển cơ sở sản xuất, gia công sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

“Việt Nam sẽ có cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn nếu có chính sách thu hút phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng nhấn mạnh điều này trong các cuộc họp về phục hồi kinh tế, giải pháp đưa doanh nghiệp bình thường trong trạng thái mới gần đây.

Làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc, Việt Nam đừng bỏ lỡ - 2

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng nhiều lần nhấn mạnh về cơ hội của Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc trong các cuộc họp về phục hồi kinh tế, giải pháp đưa doanh nghiệp bình thường trong trạng thái mới gần đây.

Nhận thức được cơ hội lớn, Bộ trưởng Công Thương cho rằng cần đẩy mạnh tập trung vào thúc đẩy cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế chế tạo lớn của Việt Nam theo hướng bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc lại. Hậu Covid-19 sẽ có sự dịch chuyển, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn chất lượng cao.

Theo ông Lộc, nhiều doanh nghiệp đang muốn dịch khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể đón cơ hội này, chủ động tham gia các chuỗi cung ứng mới. “Chúng ta phải chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị”, ông Lộc nhấn mạnh.

Không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam

Theo JLL Việt Nam, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục.

“Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.

Theo chuyên gia JLL, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai.

Trong lúc đó, Trung Quốc tập trung phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng. Đây là nơi tụ hội các công ty hàng đầu thế giới về pin mặt trời, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và sản xuất pin. Lý do chính là vì các doanh nghiệp này sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao, tạo ra nguồn thu nhập thuế cao cho chính phủ.

Thêm nữa, các ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp thường gây ô nhiễm nhiều hơn, trong khi Trung Quốc đang mong muốn cải thiện môi trường tại các khu đô thị. Việc chuyển sang sản xuất sạch hơn, ít không gian hơn cũng sẽ giải phóng đất để tái quy hoạch.

“Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn. Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc”, ông Stephen nhấn mạnh.

“Về lâu dài, nhiều doanh nghiệp có khả năng thay đổi kế hoạch sản xuất của họ để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro của những cú sốc tương tự trong tương lai. Cùng với các sáng kiến để cải thiện hiệu suất bền vững và hạn chế tác động môi trường của các hoạt động sản xuất, các nhà bán lẻ có thể lựa chọn sản xuất và mua sản phẩm từ thị trường nội địa”, đại diện JLL nhận định.

Nguyễn Mạnh