1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Làn sóng cổ phiếu ngân hàng lên sàn, chuyển sàn cuối năm

(Dân trí) - Nhiều ngân hàng đã và đang chạy đua với thời gian để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong bối cảnh thị trường có nhiều khởi sắc và các quy định mới về việc lên sàn đang đến gần.

Ngân hàng đua nhau lên sàn

Sáng nay 9/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố và trao quyết định niêm yết ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Theo đó, gần 977 triệu cổ phiếu của LienVietPostBank chính thức niêm yết trên HoSE đã trở thành ngân hàng đầu tiên được chấp thuận niêm yết trong năm 2020.

Giá khởi điểm của LPB là 11.800 đồng một cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa khi chào sàn đạt hơn 11.500 tỷ đồng. Mức giá này được xác định theo nguyên tắc bình quân giá tham chiếu của cổ phiếu LPB trong 20 phiên giao dịch cuối cùng tại sàn UpCoM.

Làn sóng cổ phiếu ngân hàng lên sàn, chuyển sàn cuối năm - 1

Gần 977 triệu cổ phiếu của LienVietPostBank chính thức niêm yết trên HoSE ngày 9/11.

Trước đó, 389 triệu cổ phiếu Ngân hàng Nam Á (mã cổ phiếu NAB) cũng chính thức giao dịch trên UPCoM, với giá tham chiếu 13.500 đồng mỗi cổ phiếu. Đây là ngân hàng thứ 3 trong năm nay đăng ký giao dịch trên UPCoM, sau Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng Sài Gòn hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Hay như Ngân hàng Hàng Hải (MSB) cũng vừa công bố tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và chuẩn bị niêm yết tại HoSE. Theo đại diện MSB, niêm yết cổ phiếu MSB lên sàn là mục tiêu quan trọng tiếp theo góp phần giúp ngân hàng nâng cao vị thế trên thị trường, bảo đảm quyền lợi tối đa của cổ đông, đối tác, khách hàng và cán bộ, nhân viên.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng được cổ đông thông qua việc niêm yết trên sàn HoSE trong năm nay...

Việc ngân hàng chuyển sàn niêm yết hoặc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán được khởi động mạnh mẽ trong năm 2020 này. Giới chuyên gia cho rằng, niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Trong khi đó, việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này.

Ngoài ra, việc nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa muốn chuyển sàn hoặc niêm yết cổ phiếu trong năm 2020 bởi đây là hạn chót quy định các ngân hàng phải hoàn thành việc đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Cùng với đó, Luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2021 quy định các công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết tối thiểu 2 năm mới có quyền nộp hồ sơ đăng ký niêm yết khi đáp ứng điều kiện niêm yết chứng khoán. Như vậy, các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ phải mất 2 năm để "làm quen" rồi mới được niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức, nên dẫn đến hiện tượng một số ngân hàng muốn chuyển sàn để "chạy trước" quy định này.

Đề cập tới việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn UpCoM lên sàn HoSE, ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết: Mục tiêu lớn nhất của Ngân hàng khi niêm yết cổ phiếu trên HOSE nhằm công khai, minh bạch hơn nữa thông tin của Ngân hàng trước cổ đông và nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cổ đông của ngân hàng...

Như vậy, nếu tính cả tân binh LienVietPostBank, toàn thị trường hiện có 14 ngân hàng niêm yết chính thức gồm: VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB, LPB, ACB, SHB và NVB. 7 ngân hàng giao dịch trên UPCoM với mã giao dịch là VIB, VBB, BAB, KLB, BVB, SGB và NAB.

Nhà đầu tư ồ ạt mở mới tài khoản chứng khoán

Cùng với việc trên các sàn chứng khoán có thêm nhiều mã cổ phiếu, nhà đầu tư cũng ồ ạt mở mới tài khoản giao dịch.

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 10, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.451 tài khoản, tăng hơn 5.000 tài khoản so với tháng trước đó.

Trong đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 10 là 36.346 và 105 tài khoản mở mới từ các tổ chức. Đây cũng là số lượng tài khoản mở mới kỷ lục của nhà đầu tư trong nước kể từ tháng 4/2020 tới nay, thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 290 nghìn tài khoản, nhiều hơn 100 nghìn tài khoản so với cả năm 2019 (gần 189 nghìn tài khoản). Trong đó, số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3 tới nay) lên tới 261 nghìn tài khoản.

Sự nhập cuộc của các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là "nhà đầu tư F0" đã góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh từ vùng 650 điểm vào cuối tháng 3 và hiện đã lên 940 điểm.

Việc nhà đầu tư "ồ ạt" mở tài khoản đã góp phần giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh khối ngoại không ngừng bán ròng. Tính riêng trong tháng 10, khối ngoại đã bán ròng 7.500 tỷ đồng trên HoSE và giá trị bán ròng từ đầu năm tới nay lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Tính chung trong tháng 10, toàn thị trường có thêm 36.776 tài khoản chứng khoán được mở mới. Lũy kế tới hết tháng 10/2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,67 triệu tài khoản, tương đương 2,8% dân số Việt Nam.