Làm trung tâm tài chính, TPHCM liệu có cạnh tranh được Bangkok, Singapore?

Việt Đức

(Dân trí) - Muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, TPHCM sẽ phải cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực.

Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là quyết tâm ấp ủ hơn 20 năm qua của nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM. Trong hội thảo gần đây nhất tổ chức vào ngày 25/2 do UBND TPHCM tổ chức, những phác thảo sơ bộ về hình hài một trung tâm tài chính đã thành hình. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định khi thế giới đã có hơn 100 trung tâm tài chính quốc tế, TPHCM khó thành công nếu không có lợi thế cạnh tranh riêng.

Tính riêng tại ASEAN, đã có 5 trung tâm tài chính quốc tế được xếp hạng chính thức gồm Singapore, Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia). Trong đó, Singapore đứng trong nhóm 5 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Còn TPHCM hiện tại được đánh giá thuộc nhóm trung tâm tài chính thứ cấp theo bảng xếp hạng GFCI công bố lần gần nhất vào tháng 9/2021.

Theo đề án sơ bộ, trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM gồm 3 cấu phần thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng (hình thành các tập đoàn tài chính, phát triển fintech, ngân hàng số), thị trường vốn (thị trường cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp), thị trường hàng hóa phái sinh (hình thành và phát triển sở giao dịch hàng hóa). 

Phải có chiến lược khác biệt

Trao đổi với Dân trí sau hội thảo của UBND TPHCM, GS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TPHCM) nhấn mạnh TP có xuất phát điểm muộn nên phải có con đường khác biệt mới có thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác trong khu vực. 

GS Thơ cho rằng câu chuyện của Busan là một hình mẫu đáng tham khảo, học hỏi, đặc biệt khi đây cũng là thành phố kết nghĩa với TPHCM. Hàn Quốc quyết định xây dựng thêm trung tâm tài chính tại Busan vào năm 2011 sau khi đã có trung tâm tài chính tại Seoul. Chỉ sau 10 năm, Busan hiện đã là trung tâm tài chính đứng hạng 33 thế giới theo đánh giá của GFCI. 

Ông đánh giá trung tâm tài chính Busan thành công trong thời gian ngắn nhờ chiến lược riêng, tập trung vào hoạt động tài chính trong lĩnh vực hàng hải. TPHCM có thể kết nối với cụm cảng Thị Vải - Cái Mép để tạo ra một trung tâm tài chính chuyên về hàng hải, logistics như Busan. Theo GS Thơ, chiến lược này cũng phù hợp với chính sách phát triển thành một cường quốc biển của Việt Nam.

Trong khi đó, với những hoạt động truyền thống như chứng khoán, giao dịch hàng hóa phái sinh, fintech, TPHCM sẽ phải cạnh tranh với các trung tâm khác đã phát triển nhiều năm tại Đông Nam Á, Trung Quốc. "Chúng ta phải có cái gì độc nhất mà Thái Lan, Singapore không có mới có thể thành công", GS Thơ nêu quan điểm.

Làm trung tâm tài chính, TPHCM liệu có cạnh tranh được Bangkok, Singapore? - 1

GS Trần Ngọc Thơ đề xuất TPHCM phát triển mô hình trung tâm tài chính gắn với ngành hàng hải tương tự Busan (Ảnh: NBBJ).

Chuyên gia này cũng lưu ý các sản phẩm, dịch vụ của trung tâm tài chính cần hướng dòng vốn đi vào nền kinh tế thực thay vì chỉ mang tính chất đầu cơ. Liên kết với các trung tâm tài chính, thị trường chứng khoán quốc tế để đón đầu dòng vốn đang có xu hướng dịch chuyển ở các quốc gia phát triển là một gợi ý khác của GS Thơ.

Góp ý tại hội thảo, TS Võ Trí Thành cũng khẳng định phải trả lời được câu hỏi nhà đầu tư sẽ chọn Việt Nam chứ không phải Singapore, Dubai để rót vốn khi trung tâm tài chính ra đời. Theo ông, đây là thách thức với thực tế thị trường tài chính hiện nay, mức độ phát triển của các định chế tài chính Việt Nam với các nước còn khoảng cách khá xa.

TS Thành góp ý cần đưa trung tâm tài chính quốc tế TPHCM trở thành một nơi thử nghiệm các cơ chế, chính sách đột phá (sandbox) lớn nhất của cả nước. TS Thành dẫn lại câu nói việc gì 100% đồng thuận thì không thể đột phá, đã đột phá thì khó có thể đồng thuận 100% để nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính đòi hỏi cần quyết tâm chính trị rất lớn.

Làm trung tâm tài chính, TPHCM liệu có cạnh tranh được Bangkok, Singapore? - 2

Thủ Thiêm được quy hoạch trung tâm tài chính mới đối diện khu vực hiện hữu ở quận 1 (Ảnh: Hải Long).

Cần lộ trình tự do hóa tài chính

Còn TS Trương Văn Phước cho rằng thể chế tài chính là mấu chốt để có thể hiện thực hóa đề án. Chỉ khi các luật lệ về tài chính được sửa đổi, mở đường, các sản phẩm, hàng hóa thu hút nhà đầu tư nước ngoài mới có thể ra đời.

Đặc biệt, ông Phước khẳng định một khi đồng tiền của Việt Nam chưa hoàn toàn tự do chuyển đổi, trung tâm tài chính dù ra đời cũng có tính cạnh tranh rất thấp trong khu vực. Những vấn đề liên quan đến khung pháp lý như trên lại cần sự vào cuộc của các bộ ngành Trung ương.

Đại diện nhóm nghiên cứu đề án của Đại học Fulbright, ông Nguyễn Xuân Thành cũng nhận xét muốn có một trung tâm tài chính quốc tế, phải tiến tới tự do hóa tài chính, tiền đồng phải được chuyển đổi tự do hoàn toàn. "Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính vẫn chưa đề cập lộ trình tự do hóa tài chính cho Việt Nam", ông Thành nêu vấn đề.

Làm trung tâm tài chính, TPHCM liệu có cạnh tranh được Bangkok, Singapore? - 3

Đồng tiền tự do chuyển đổi được xem là mấu chốt để nâng cao sức cạnh tranh của một trung tâm tài chính (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong khi đó, trên thế giới, chỉ riêng Trung Quốc có thể xây dựng được trung tâm tài chính nhưng không tự do hóa tài chính khi đồng tiền của quốc gia này không tự do chuyển đổi, dòng vốn vào ra vẫn bị kiểm soát. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thành công vì có thị trường nội địa quá lớn. Đây là lợi thế các quốc gia khác không có.

Trong khi đó, PGS Hoàng Công Gia Khánh (ĐH Kinh tế Luật TPHCM) gợi ý TPHCM cần đặc biệt tập trung phát triển lĩnh vực fintech. "Nếu đi theo mô hình truyền thống liệu TPHCM có đủ sức cạnh tranh với các trung tâm truyền thống hay không", ông Khánh đặt vấn đề.

Do đó, ông đề xuất Chính phủ trao quyền cho TPHCM mạnh dạn thí điểm các chính sách hỗ trợ về đầu tư mạo hiểm, fintech, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thiên thần, hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số.