"Vua hàng hiệu" nói về ý tưởng xây Disneyland ở TPHCM

Việt Đức

(Dân trí) - Ông Hạnh Nguyễn cho biết các đối tác phía Mỹ của IPPG mong muốn đầu tư nhiều khu vui chơi giải trí thương hiệu quốc tế như Disneyland, Universal, Sea World tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Johnathan Hạnh Nguyễn, các nhà đầu tư Mỹ "rất quan tâm đến đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM". Tập đoàn này đã làm việc với một số đơn vị tư vấn lớn của Mỹ để xây dựng đề án quy hoạch trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng, sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương khi hoàn thành. 

"Chúng tôi đã làm việc với phía Mỹ 6 năm nay và họ cam kết nếu đề án được thông qua sẽ đầu tư ngay 10 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư Mỹ sẽ rót 6 tỷ USD vào TPHCM và 4 tỷ USD vào Đà Nẵng để xây dựng trung tâm tài chính", ông Hạnh Nguyễn chia sẻ tại buổi tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TPHCM" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 17/2.

Đặc biệt, ông cho biết ngoài 10 tỷ USD, các doanh nghiệp Mỹ mà doanh nghiệp ông cùng làm việc sẵn sàng đầu tư nhiều khu du lịch, vui chơi có thương hiệu toàn cầu như Disneyland, Universal Studios, Sea World tại Việt Nam. Riêng tại TPHCM, nhà đầu tư Mỹ muốn xây dựng Disneyland.

Theo ông Hạnh Nguyễn, theo đề án quy hoạch mà nhà đầu tư Mỹ đang hoàn thiện, TPHCM sẽ có khu Disneyland với tiềm năng thu hút khoảng 25 triệu lượt khách mỗi năm. Lợi ích của ý tưởng trên là vô cùng lớn với ví dụ cụ thể khu vui chơi giải trí Disneyland tại HongKong thu về 18,9 tỷ USD sau 10 năm, tạo việc làm cho khoảng 35.000 nhân viên chuyên nghiệp.

Vua hàng hiệu nói về ý tưởng xây Disneyland ở TPHCM - 1

Ông Hạnh Nguyễn chia sẻ TPHCM cần tận dụng thời cơ, nhanh chóng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (Ảnh: Người Lao Động).

Ngoài ra, ông thông tin, phía Mỹ mong muốn xây dựng khu Universal Studio tại Hà Nội, khu giải trí Sea World ở Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Ông ước tính chỉ riêng 3 khu vui chơi giải trí thương hiệu quốc tế này nếu được xây dựng có thể đón tổng cộng hơn 70 triệu lượt khách mỗi năm. 

"Khách quốc tế luôn chọn những khu vui chơi có tên tuổi trên thế giới. Nhà đầu tư Mỹ đã gửi email và chúng tôi cũng đã chuyển cho TPHCM để nghiên cứu, đề nghị phía Mỹ giúp TPHCM có Disneyland", ông Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho biết, bản thân ông đã đồng hành với chính quyền TPHCM trong việc nghiên cứu đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế trong gần 20 năm qua. Nếu muốn thành công, trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM phải thật sự đột phá. Tuy nhiên, đột phá ở mức nào, trung tâm tài chính mở đến mức độ nào sẽ còn cần phải tính toán cẩn thận.

PGS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế TPHCM, cũng có cùng quan điểm phải có cơ chế chính sách đột phá, trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM mới có thể thu hút được doanh nghiệp "đại bàng" lựa chọn đầu tư thay vì những trung tâm khác trong khu vực. Ông cũng cho rằng ngoài hoạt động tài chính, cần có các hoạt động dịch vụ đi kèm để thu hút nhà đầu tư.

Vua hàng hiệu nói về ý tưởng xây Disneyland ở TPHCM - 2

PGS Trần Hoàng Ngân đánh giá hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ là một trong những cơ sở để TPHCM phát triển sau đại dịch (Ảnh: Người Lao Động).

Góp ý cho đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM, TS Cấn Văn Lực cho rằng có nhiều cách hình dung về một trung tâm tài chính. Đó có thể là khu vực nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu lớn đặt trụ sở hay một trung tâm về đầu tư, thu hút các dự án lớn hoặc trung tâm tài chính gắn với giải trí như casino, du lịch. 

Tuy nhiên, ông Lực nhấn mạnh những tư duy như trên vẫn mang tính truyền thống trong khi thế giới tài chính đang thay đổi rất nhanh với các xu hướng số hóa, tài chính điện tử, tiền kỹ thuật số. Do đó, cần xác định trung tâm tài chính tại TPHCM sẽ lấy động lực chính là ngân hàng, quỹ đầu tư hay fintech, quản lý các giao dịch số, dữ liệu, giao dịch xuyên biên giới như thế nào. Khi xác định được sự khác biệt so với các trung tâm tài chính khác, TPHCM mới có thể thành công.