Làm sao để không mất tiền cọc đấu giá cổ phần?

Trong một số phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần đây, số người mất tiền đặt cọc không hề giảm. Điều này không chỉ đơn giản là việc mất đi số tiền bằng 10% tổng giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm, mà nhà đầu tư còn mất đi cơ hội sở hữu cổ phiếu mà họ mong muốn.

Trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vừa qua của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), số phiếu đấu giá không hợp lệ đạt kỷ lục. Trên 200 nhà đầu tư ghi phiếu sai quy định, trong đó có những phiếu đặt mua với số lượng hàng chục nghìn cổ phiếu, số tiền cọc bị mất lên tới hàng chục triệu đồng. Tổng cộng số tiền đặt cọc trong đợt IPO Bảo Việt nhà đầu tư bị mất lên tới trên 2,7 tỷ đồng, tương đương với quyền mua hơn 900.000 cổ phần, nếu trúng giá đấu giá.

Chắc chắn những con số đó cũng chưa nói lên tình trạng phạm lỗi khá phổ biến. Theo ban đấu giá, có rất nhiều lỗi của nhà đầu tư như: quên không ghi tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua, ghi mức giá đặt mua thấp trước, giá đặt mua cao sau..., đã được Ban đấu giá cổ phần linh động cho qua.

Những sơ suất xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một số nhà đầu tư chưa am hiểu quy chế đấu giá, nhưng cũng không chịu đọc quy chế này, không đọc bản cáo bạch của doanh nghiệp, không tìm hiểu thêm thông tin về doanh nghiệp cũng như khả năng tài chính bản thân... Do không hiểu biết nên rất khó kiên định, họ chạy theo người khác nên thường bỏ giá cao, dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười, mua chẳng đặng, bỏ cọc chẳng đừng.

Tựu chung lại, có 10 lỗi vi phạm mà các nhà đầu tư hay mắc phải.

1. Không thanh toán số cổ phần được quyền mua theo kết quả đấu giá.

Lỗi này mắc phải do nhà đầu tư đặt giá quá cao hoặc do nhà đầu tư nộp tiền không đúng kỳ hạn. Việc đánh giá thiếu chính xác về triển vọng phát triển của doanh nghiệp, giá trị thương hiệu, giá trị tài sản, kỳ vọng của thị trường... dẫn đến việc đặt giá quá cao, gấp nhiều lần giá trúng giá thấp nhất. Việc tham dự đấu giá, cũng giống như bạn đi buôn, nếu không hạch toán kỹ sẽ dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười khi “chẳng may” trúng với giá cao. Đã có quá nhiều nhà đầu tư đặt giá cao và rồi phải chấp nhận bỏ tiền cọc.

2. Không nộp phiếu tham dự đấu giá, đăng ký nhưng không đặt mua (toàn bộ hoặc một phần), sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần không đặt mua.

Nguyên nhân của lỗi này là do nhà đầu tư không nộp phiếu tham dự đấu giá đúng thời hạn. Nhiều nhà đầu tư do quá bận rộn hoặc lơ đễnh đã không nhớ chính xác thời hạn cuối cùng phải nộp phiếu tham dự đấu giá, hoặc đến quá muộn khi hòm phiếu đã được niêm yết. Nếu như đại lý đấu giá chưa viết hạn chót nộp phiếu lên trên phong bì, tốt nhất bạn hãy tự viết ngày giờ bỏ phiếu lên đó, tránh quên hoặc nhầm ngày giờ.

Thực tế đã có người nhầm ngày nộp phiếu tham dự với ngày đấu giá. Nên tránh đến nơi bỏ phiếu quá sát giờ.

3. Bỏ giá thấp hơn giá khởi điểm. Lỗi này mắc phải thường do nhà đầu tư nhầm giá khởi điểm với mệnh giá.

4. Không ghi giá và/hoặc khối lượng trên Phiếu tham dự đấu giá. Thường do lơ đễnh hoặc do nhà đầu tư quá vội đã quên ghi mức giá bằng số và bằng chữ cũng như số lượng cổ phần mua tương ứng với từng mức giá.

5. Phiếu tham dự đấu giá bị rách, nát, tẩy xóa, không xác định được giá hoặc khối lượng đặt mua, không ký vào Phiếu tham dự đấu giá. Trong đó lỗi tẩy xóa khá phổ biến, do không kiên định nên họ có ý định thay đổi mức giá thường xuyên. Nếu chưa chắc chắn tốt hơn hết đừng vội ghi mức giá vào phiếu. Việc sử dụng bút xóa bị coi là lỗi khó bỏ qua. Nên tránh viết hai màu mực, tránh viết bút đỏ, bút chì. Trường hợp nếu đại lý chứng khoán linh động có thể bỏ qua cho bạn lỗi này.

Một trong những nguyên nhân làm rách phiếu đấu giá khá phổ biến là do nhà đầu tư quá cẩn thận, dán keo dính phía mặt sau phong bì bị lem, dính cả vào phiếu đấu giá, có thể gây rách. Không những thế còn gây khó khăn cho nhân viên khi bóc phiếu.

6. Thiếu dấu treo do đại lý cấp. Thường khi nhà đầu tư điền phiếu sai, đổi lại phiếu rất dễ quên đóng dấu treo, nhất là vào những khi sát giờ nộp phiếu.

7. Tổng khối lượng đặt mua vượt quá số cổ phần đã đăng ký và đặt cọc.

8. Đặt dưới bước giá, chẳng hạn, nếu bước giá là 100 đồng mà bạn đặt giá với số lẻ 50 đồng tức là bị phạm quy.

9. Viết tắt, chẳng hạn như viết 40 thay vì 40.000 đồng hoặc 40,5 thay vì 40.500 đồng.

10. Giá đặt mua ghi bằng số và bằng chữ không thống nhất.

Theo Hải Yên
VnEconomy