1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lạm phát tháng 9 "leo thang" 1,06%

(Dân trí) - Với việc điều chỉnh học phí cùng ảnh hưởng của tăng giá điện 5%, mưa bão đội giá lương thực, thực phẩm lên cao... đã khiến tình hình lạm phát trở lại trong tháng 9 - sau 6 tháng liền CPI được kiềm dưới 1%.

Lạm phát tháng 9 leo thang 1,06%
Xu hướng lạm phát đã tăng cao trở lại do những điều chỉnh ở các mặt hàng, dịch vụ công; đồng thời, tình hình thời tiết bất lợi cũng đe dọa nhóm lương thực, thực phẩm.

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu chính thức về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 9/2013. Theo đó, CPI tháng này đã bật tăng mạnh 1,06% so với tháng 8 và tăng 4,63% so với thời điểm tháng 12/2012. Nếu so cùng kỳ tháng 9/2013, CPI tăng 6,3%.

Như vậy đây là tháng có chỉ số CPI lên cao nhất kể từ tháng 3/2013 và tăng vượt 1% so với tháng trước, lặp lại kịch bản của năm 2012 khi chỉ số bị đẩy lên cao do những tác động của giá dịch vụ công, trong đó, học phí và các chi phí khác cho giáo dục tăng mạnh. Năm ngoái, CPI tháng 9/2012 đã tăng 2,2% so với tháng 8/2012, mức cao nhất cả năm.

Trong tháng, có 9/11 nhóm hàng thuộc rổ tính CPI tăng so với tháng trước, 2 nhóm hiếm hoi giảm là giao thông (giảm 0,24%) và bưu chính viễn thông (giảm 0,01%).

Tăng mạnh nhất là chỉ số giá nhóm giáo dục với 9,38% so với tháng 8, trong đó, riêng dịch vụ giáo dục tăng mạnh 10,66%. So với cùng kỳ, chỉ số giá của nhóm giáo dục tăng 13,32% với mức tăng dịch vụ giáo dục lên tới 24,63%.

Địa phương có mức tăng của chỉ số này mạnh nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm giáo dục tăng tới 57,2%. Trong khi đó, Hà Nội là 2,02%, Thừa Thiên Huế là  7,31%, Hải Phòng là 2,06% và Thái Nguyên là 0,15%...

Ngoài ra, do tình trạng mưa bão liên miên nên đã đẩy giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng khá mạnh 0,65% so với tháng 8. Đây là nhóm hàng hóa chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ tính giá CPI (chiếm gần 40%), do đó, mức tăng của nhóm này tác động mạnh đến chỉ số giá chung.

Điểm đáng chú ý là nếu như các tháng trước, chỉ số giá đối với ăn uống ngoài gia đình luôn ở mức cao thì trong tháng này chỉ tăng 0,19%, trong khi đó, lương thực tăng 0,41% và thực phẩm tăng rất mạnh 0,87%. Tuy vậy, nếu so với thời điểm tháng 12/2012 thì giá lương thực vẫn đang giảm 1,43%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng có chỉ số giá tăng mạnh so với các nhóm hàng khác, tăng 0,91% so mặt bằng giá tháng 8. Nhóm này bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. 

Sở dĩ chỉ số giá của nhóm này đột ngột tăng cao do việc tăng giá điện 5% ngày 1/8 đã ảnh hưởng đến hóa đơn tiền điện thanh toán cuối tháng 8 và nằm trong chu kỳ tính CPI của tháng 9.

Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng bất thường với mức 1,33% - mức tăng cao hơn so với mức tăng của chỉ số chung. Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ.

Nằm ngoài rổ tính giá, tháng vừa rồi, chỉ số giá vàng và USD diễn biến ngược chiều. Trong khi lo ngại chiến sự Syria đẩy chỉ số giá vàng tăng 1,97% so với tháng 8 thì chỉ số giá USD giảm nhẹ 0,26%. So với đầu năm, chỉ số giá vàng giảm 18,6% còn chỉ số giá USD tăng 1,32%.

Bích Diệp