“Lạm phát dễ bùng lên trong tháng 9”
(Dân trí) - ANZ lo ngại, chỉ số giá ở nhóm y tế cùng các yếu tố hàng hóa công khác có thể sẽ thổi bùng lạm phát tháng 9 tương tự năm 2012. Nguy cơ lạm phát gia tăng trong trung hạn đã hạn chế ảnh hưởng của nỗ lực giảm lãi suất chính sách.
Lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm, dễ tăng nhưng khó giảm (ảnh: Bloomberg).
Tổng cục Thống kê ngày 24/7 đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích với mức tăng 0,27% so với tháng 6.
Còn nếu tính theo cùng kỳ thì CPI vào tháng 7 đã chạm mốc 7,29%, mức cao nhất kể từ đầu năm, cao hơn mức 6,69% vào tháng trước. Con số này khá sát với phỏng đoán của ANZ là 7,21%.
Trong rổ tính giá, chỉ số giá của nhóm vận tải có mức tăng cao nhất (so với tháng 6) với mức gia tăng 1,34% - đây cũng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát trong tháng 7. Điều này rõ ràng đã phản ánh ảnh hưởng của giá xăng tăng cao đến chỉ số giá tiêu dùng.
Trong khi đó, giá lương thực với tỉ trọng chiếm 39,93% giỏ tính CPI đã tăng lên 0,1% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 tháng, chỉ số giá của nhóm này tăng.
Qua các dữ liệu có được, chuyên gia Eugenia Fabon Victorino của ANZ nhận định, lạm phát năm 2013 của Việt Nam sẽ nằm ở cận dưới trong quãng 6-8%.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, vào tháng 9, áp lực lạm phát sẽ lên khá cao. Nhu cầu trong nước ở mức thấp sẽ kìm hãm CPI tăng trở lại trong ngắn hạn.
“Chúng tôi đặc biệt lưu ý tới ảnh hưởng của giá ngành dịch vụ y tế tới dự đoán lạm phát mặc dù giá nhóm ngành dịch vụ y tế vẫn tiếp tục được kiểm soát với mức tăng 0,05% so với tháng trước” – báo cáo của ANZ nhấn mạnh. Đồng thời lưu ý rằng, tháng 9 năm ngoái, chỉ số giá của nhóm hàng này đã tăng 17% so với tháng trước đó.
Khía cạnh này cũng đã được các chuyên gia về giá trong nước cảnh báo. Theo đó, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê từng lưu ý, giá dịch vụ y tế ở Hà Nội có thể tăng vào tháng 8 năm nay.
Tính theo cùng kỳ, lạm phát tháng 7 đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu năm.
Ngoài ra, chuyên gia ANZ cũng đã hạ kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống còn 5,1% trong năm 2013 từ mức dự báo 5,6% trước đó. Sang 2014, dự báo GDP cũng sẽ chỉ tăng 5,25% (thấp hơn dự báo trước đây là 6,3%).
“Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam vẫn sẽ ở dưới mức 7% do ảnh hưởng của thách thức đến từ khối ngân hàng. Mặc dù hết sức ủng hộ việc thành lập Công ty quản lý tài sản (AMC), chúng tôi nhận định chừng đó vẫn là chưa đủ để xoá hết nợ xấu”, chuyên gia Eugenia Fabon Victorino đánh giá.
Bên cạnh đó, theo dự báo của ANZ, thời gian tới, NHNN sẽ vẫn giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 7% trong năm 2013. Nguy cơ lạm phát gia tăng trong trung hạn đã hạn chế mức độ ảnh hưởng của nỗ lực giảm lãi suất chính sách.
Sau chính sách bắt buộc giảm lãi suất cho vay từ năm 2012, cho đến nay tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu phục hồi. Số liệu cho thấy vào tháng 5/2013, tính theo năm, tổng lượng tín dụng cá nhân tăng 2,98%, tăng hơn 0,56% so với mức đạt được được của cùng kỳ năm 2012.
Bích Diệp