Lạm phát neo cao: Thế khó nới lỏng chính sách tiền tệ trong dịch Covid-19?

(Dân trí) - Dù giá thịt lợn, xăng dầu đều đã giảm, tuy nhiên, lạm phát trong quý I/2020 dự báo vẫn cao hơn kế hoạch, theo đó, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn vẫn rất hạn chế.

Lạm phát neo cao: Thế khó nới lỏng chính sách tiền tệ trong dịch Covid-19? - 1

Theo nhận định của KBSV, NHNN sẽ không có động thái nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2020 để hỗ trợ tăng trưởng như các ngân hàng trung ương khác trong khu vực

 Báo cáo chuyên đề về lạm phát tháng 2 của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố ngày 17/2 cho biết, các chuyên gia phân tích ở đây đã điều chỉnh giảm mức dự báo chỉ số giá (CPI) tháng 2 xuống còn bình quân khoảng 5,77% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân được cho biết là giá các nhóm hàng trong rổ hàng hoá đều có xu hướng giảm mạnh dưới tác động của dịch Covid-19. Lạm phát cơ bản bình quân nhờ đó cũng sẽ hạ nhiệt tương đối xuống còn khoảng 2,69% so với cùng kỳ.

Theo KBSV, giá thịt lợn hơi (một mặt hàng quan trọng trong rổ tính giá) trong kỳ tính CPI tháng 2 (20/1 – 19/2) dự báo giảm khoảng 5% so với tháng 1 – xuống mức trung bình còn 80.000 đồng/kg. Trong khi nhu cầu thịt lợn giảm mạnh sau Tết Nguyên Đán và do dịch Covid-19 bùng phát thì nguồn cung thịt vào tháng 2 lại được cải thiện.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) ước tính lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường trong tháng 2 đạt khoảng 330.000 tấn và sẽ tăng dần thêm khoảng 10.000 – 20.000 tấn/tháng trong các tháng tiếp theo.

Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các doanh nghiệp lớn giảm giá thịt lợn hơi xuống còn khoảng 75.000 đồng/kg để hạn chế ảnh hưởng tới tăng trưởng CPI. Ngay sau đó, giá thịt lợn hơi đã giảm xuống khoảng 79.000 đồng/kg và xu hướng giảm vẫn đang tiếp tục.

Bên cạnh đó, một mặt hàng khác là xăng dầu cũng có diễn biến giảm. Giá xăng giảm mạnh trong hai lần điều chỉnh gần nhất (30/1 và 14/2) đã góp phần khiến mặt bằng giá cả trên thị trường hạ nhiệt.

Giá xăng E95 trong kỳ tính CPI tháng 2 giảm khoảng 6% so với tháng 1, xuống trung bình còn 19.750 đồng/lít. Mức giảm này là do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Kể từ đầu năm, giá dầu Brent giảm tới 13% trong khi giá dầu WTI giảm 14%.

Mặc dù vậy, theo nhận định của KBSV, cả lạm phát và lạm phát cơ bản bình quân, ít nhất trong quý I/2020 đều ở mức cao so với kế hoạch đặt ra đầu năm của Chính Phủ, do vậy dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn vẫn rất hạn chế.

Đây là cơ sở chính để nhóm phân tích cho rằng NHNN sẽ không có động thái nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2020 để hỗ trợ tăng trưởng như các ngân hàng trung ương khác trong khu vực.

Bước sang nửa sau của năm 2020, mức tăng CPI bình quân dự báo sẽ dần hạ nhiệt do mức nền cùng kỳ 2019 bắt đầu chịu ảnh hưởng của giá thịt heo cao. Do đó, KBSV duy trì dự báo CPI bình quân năm 2020 ở mức 3,7%.

Mai Chi