Lạm phát: Hà Nội "nguội", TP.HCM "nóng"

(Dân trí) - Cục Thống kê Hà Nội và TPHCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hai thành phố này trong tháng 9 và chín tháng đầu năm 2011. Theo đó, trong khi CPI của Hà Nội đột ngột giảm tốc thì chỉ số này của TPHCM lại tăng tốc mạnh.

Lạm phát: Hà Nội "nguội", TP.HCM "nóng" - 1
Mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội đã giảm nhẹ, góp phần đáng kể giúp CPI tháng 9 giảm tốc.
 
Cụ thể, CPI trong tháng 9 của Hà Nội chỉ tăng 0,2% so với tháng trước đó và tăng 17,76% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2010.   
 

Nguyên nhân được cho là 3 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI đều đồng loạt giảm so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,02%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01% và giao thông giảm đến 0,56%.

 

Đáng chú ý, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - vốn là tác nhân khiến CPI tăng vọt – trong tháng qua do thời tiết thuận lợi và nguồn cung dồi dào nên giá các mặt hàng thực phẩm và rau xanh không có nhiều biến động về giá. Đặc biệt, mặt hàng thịt lợn sau một thời gian tăng mạnh cũng đã điều chỉnh giảm nhẹ 10.000 đồng/kg.

 

Mặt hàng lương thực cũng không có biến động lớn về giá do miền Bắc bước vào vụ thu hoạch Hè Thu 2011 nên cũng giảm 0,26%.

 

Tuy nhiên, nhóm ăn uống ngoài gia đình vẫn có mức tăng cao 1,02% do nhu cầu tăng mạnh trong các ngày nghỉ lễ quốc khánh và dịp trung thu.

 

Đợt giảm giá xăng dầu vừa qua cũng khiến cho nhóm giao thông giảm khá mạnh, tương ứng 0,56%. Trong khi đó, các mặt hàng điện, nước, chất đốt, vật liệu xây cũng giảm nhẹ 0,01%.

 

Trong khi đó, tại TPHCM, chỉ số CPI tháng 9 của thành phố này bất ngờ tăng 0,88% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì chỉ số này tăng 18,87%. 
 

Nhìn vào bảng số liệu thống kê, có thể thấy trong 11 nhóm mặt hàng tính CPI thì chỉ có 2 nhóm giao thông và bưu chính viễn thông có mức giảm 0,07%, còn lại đều có mức tăng trên dưới 1%. Trong đó, đáng chú ý là nhóm hàng giáo dục tăng tới 4,54% do nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới tăng cao.

 

Tuy nhiên, điều đặc biệt, trái ngược với Hà Nội, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn có mức tăng 0,92% do nhóm hàng lương thực tăng đến 2,27%, trong khi nhóm thực phẩm cũng tăng 0,34%.

 

Ngoài ra, do nhu cầu trong dịp nghỉ lễ tăng mạnh nên hai nhóm hàng văn hóa, giải trí, du lịch và hàng hóa khác cũng ghi nhận mức tăng khá cao, lần lượt ở mức 1,3% và 2,49% - đóng góp đáng kể đưa CPI tháng 9 của TPHCM tăng vọt.

 

N. Linh