Lạm phát 2015 chỉ còn 5%?

(Dân trí) – Trong số 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Chính phủ đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015, UB Kinh tế “chấm” kịch bản có mức tăng trưởng cao hơn: 7%/năm. Chỉ tiêu lạm phát lại được yêu cầu chặt hơn, dưới 5% vào 2015 so với đề xuất 7% của Chính phủ.

Lạm phát 2015 chỉ còn 5%? - 1
Tăng trưởng cao nhưng UB Kinh tế yêu cầu phải khống chế giá tiêu dùng dưới 9% trong kế hoạch 5 năm.
 
Theo tờ, trình, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trong 5 năm với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5%/năm (kịch bản 1) và khoảng 7%/năm (kịch bản 2).

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến các thành viên trong UB tán thành với kịch bản tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Theo đó, GDP năm 2011 ước tăng 5,8 -6%, năm 2012 tăng 6,5%, các năm 2013 – 2015 phải tăng cao hơn để bình quân 5 năm có thể tăng khoảng 7%.

Ông Giàu đề nghị UB Thường vụ thông qua 12 nhóm chỉ tiêu đề xuất theo kịch bản này: tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 35% GDP; số lao động được tạo việc làm 7,94 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm với 62 huyện nghèo…

Về chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng, đa số ý kiến cho rằng, lạm phát năm 2011 rất cao nên năm 2012 phải kiểm soát bằng được CPI tăng ở mức 1 con số nhằm tăng lòng tin của xã hội, từ đó mới có cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng trong những năm sau.

Cũng có có ý kiến phân tích, với mức tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng năm 2011, nếu đặt mục tiêu CPI năm 2012 dưới 10% là không khả thi.

Chủ nhiệm UB Kinh tế kết luận, cần giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân dưới 9%/năm. Trong đó, CPI  năm 2011 là 17%-18%, năm 2012 tăng ở mức 1 con số, năm 2013 - 2014 dưới 6% và năm 2015 dưới 5% làm cơ sở kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong Kế hoạch 5 năm tiếp theo dưới 5%/năm. Trong khi đó, Chính phủ đề nghị đến năm 2015 đạt dưới 7%.

Ông Hiển cũng đề xuất cho phép Chính phủ tính toán và công bố chỉ số lạm phát theo thông lệ quốc tế, không đưa giá năng lượng và lương thực vào rổ hàng hóa tính CPI.

Về bội chi ngân sách, Chính phủ xác định giảm mức bội chi xuống 4,5% GDP năm 2015. UB Kinh tế cho rằng, tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội hiện nay là quá cao. Dự kiến 5 năm 2011-2015 vẫn ở mức 37,5% trong khi hiệu quả đầu tư không cao. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cần kiên quyết giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống 3-4% GDP trong kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Cùng với chỉ tiêu giảm bội chi, Chính phủ đề nghị sẽ giảm nợ xuống không quá 55% GDP, nợ công không quá 65% GDP. UB Kinh tế chỉ “duyệt” mức đến năm 2015 không vượt quá 50% GDP; nợ công không quá 60%.

P.Thảo