Làm giàu từ bán hàng đa cấp có dễ?

(Dân trí) - Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý, nếu muốn tham gia bán hàng đa cấp thì cần phải xem mình có nhiều mối quan hệ hay không, và những người thân quen có khả năng để mua hàng không; đồng thời đưa ra những dấu hiệu nhằm giúp người dân phân biệt doanh nghiệp đa cấp đáng tin cậy và không đáng tin.

Bán hàng đa cấp không phải là đầu tư

Chị Minh Huệ (nhân viên PR tại một ngân hàng ở Hà Nội) cho biết, dạo này gia đình chị trở nên căng thẳng do việc phản đối mẹ chồng chị tham gia phân phối, bán hàng đa cấp.

“Máy sục ozon, kem đánh răng, dầu rửa chén, sữa tắm, thực phẩm chức năng… không thiếu mặt hàng gì, được bày khắp nhà. Chúng tôi cũng không hiểu thực ra công ty mà mẹ tôi tham kinh doanh mặt hàng nào nữa!”, chị Huệ than thở.

Chị Huệ cho biết thêm: “Bà đã về hưu, chúng tôi khuyên bà nghỉ ngơi, không phải lo đến việc kiếm tiền nữa, thế nhưng bà bảo rằng, một tháng bà làm công việc này còn kiếm được hơn cả năm làm việc trước đây, mà công việc cũng giúp bà giao lưu được nhiều. Bây giờ chúng tôi cũng chẳng biết làm sao, bà thích như vậy thì đành chịu. Cứ vài ngày bà lại họp một nhóm nào đó, phổ biến, thủ thỉ đủ thứ, còn gia đình tôi vì thế mà dạo này cũng không mấy ấm êm”.

Tham gia kinh doanh đa cấp được một số người tin rằng đây là cánh cửa làm giàu nhanh chóng, nhẹ nhàng
Tham gia kinh doanh đa cấp được một số người tin rằng đây là cánh cửa làm giàu nhanh chóng, nhẹ nhàng

Trong khi đó, tại một huyện nghèo tại Kon Tum, nhiều đồng bào thiểu số đang say mê với phương thức làm giàu mới, sẵn sàng bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để mua vào những sản phẩm có giá trên trời: chiếc áo ngực nano hơn 5 triệu đồng, nồi cơm điện hơn 10 triệu đồng…

Mua càng nhiều sản phẩm giới thiệu với người tiếp theo, người dân ở đây sẽ được hưởng 10% hợp đồng và hưởng theo cấp số nhân với số lượng hợp đồng ký kết được qua nhiều lớp. Bên cạnh số ít người thu hồi được vốn thì nhiều hộ gia đình khốn khổ mua về một loạt đồ dùng không biết để làm gì cũng chẳng thuyết phục được ai mua thêm. Chưa kể nhiều gia đình bỏ nương, bỏ rẫy để tham gia học bán hàng.

Trước diễn biến phức tạp của loai hình kinh doanh đa cấp và những hệ lụy mà đa cấp biến tướng, lừa đảo gây ra cho xã hội, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) lưu ý rằng: “Khi tham gia bán hàng đa cấp, bạn hoàn toàn có cơ hội thành công và đạt thu nhập cao. Tuy nhiên, không có nghĩa là cứ tham gia là bạn sẽ thành công, sẽ có thu nhập cao”.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, các nhà phân phối của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thường giới thiệu và bán sản phẩm cho những người thân quen. Do dó, người tham gia cần tính toán số lượng các mối quan hệ xã hội của mình liệu có đủ nhiều để giúp mình bán được nhiều hàng hóa hay không, hay những người thân quen của mình có phù hợp với hàng hóa của doanh nghiệp mà mình dự định tham gia hay không.

“Ví dụ như bạn định tham gia một doanh nghiệp bán các sản phẩm đắt tiền, cao cấp trong khi các mối quan hệ của bạn chủ yếu là người có thu nhập hạn chế, thì bạn phải cân nhắc về khả năng thành công của mình”, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh lưu ý.

“Bắt bài” đa cấp biến tướng

Cục Quản lý Cạnh tranh cũng lưu ý, việc doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh đa cấp chỉ thể hiện rằng doanh nghiệp đó đáp ứng các điều kiện pháp lý để hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, không có nghĩa là doanh nghiệp đó sẽ hoạt động đúng nội dung đăng ký, đúng quy định pháp luật.

Điều này tương tự với việc có người được cấp bằng lái xe nhưng khi tham gia giao thông người đó vẫn vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Cần phải nhận thức rằng, bán hàng đa cấp thực chất là một hình thức bán hàng, không phải là một hình thức đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Cũng như các hình thức bán hàng khác, bán hàng đa cấp tìm cách đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Một lời mời gọi tham gia mạng lưới đa cấp gây xôn xao thời gian gần đây
Một lời mời gọi tham gia mạng lưới đa cấp gây xôn xao thời gian gần đây

Cục Quản lý Cạnh tranh đồng thời đưa ra những dấu hiệu nhằm giúp người dân phân biệt doanh nghiệp đa cấp đáng tin cậy và không đáng tin.

Theo đó, nếu doanh nghiệp chỉ chú trọng tổ chức các buổi tuyển dụng mà không tổ chức đào tạo bán hàng cho nhà phân phối thì người dân cần cẩn trọng. Đối với một doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, việc tuyển dụng sẽ không có ý nghĩa gì, không mang lại lợi ích gì nếu những người được tuyển dụng không bán hàng. Bởi vì chỉ có bán hàng mới giúp hàng hóa được tiêu thụ, mang về doanh thu cho doanh nghiệp, và từ đó nhà phân phối được trả hoa hồng.

Khi được mời tham gia một doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người dân cần lưu ý nếu phải bỏ ra một khoản tiền để mua hàng hoặc để đặt cọc. Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng.

Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và cũng dùng khoản này để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng. Những doanh nghiệp như vậy sẽ không tồn tại được khi không tuyển thêm được người hoặc khi người được tuyển không mua hàng, vì họ không chú trọng bán hàng, không có nguồn doanh thu từ việc tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài ra, việc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận, bán sản phẩm không tốt hoặc thậm chí không bán sản phẩm…cũng là những dấu hiệu cho thấy một doanh nghiệp bán hàng đa cấp biến tướng và lừa đảo.

Bích Diệp

Làm giàu từ bán hàng đa cấp có dễ? - 3